Một đoạn video được quay từ một phương tiện đang di chuyển và được BBC Verify phân tích cho thấy, máy móc hạng nặng ở cạnh một hàng đất dài chạy song song với đường E38, nằm ở phía đông nam nhà máy điện hạt nhân Kursk (KNPP).
Việc so sánh ảnh chụp vệ tinh ở cùng một địa điểm vào ngày 6/8 và 10/8 cũng chứng tỏ rằng dường như có một số tuyến hào mới được xây dựng ở vùng lân cận, với tuyến phòng thủ gần nhất cách nhà máy điện hạt nhân trên khoảng 8km. Theo Kiyiv Independent, quân đội Ukraine đã tiến gần tới cơ sở hạt nhân này trong phạm vi 50km.
Nhà máy điện hạt nhân Kursk cách thị trấn biên giới Sudzha của Nga gần 80km. Sudzha là trọng tâm cuộc đột kích xuyên biên giới ban đầu của Ukraine. Hãng tin độc lập IStories của Nga ngày 9/8 đưa tin, Nga đang chuẩn bị bảo vệ nhà máy điện hạt nhân Kursk khi quân đội Ukraine tiến sâu hơn vào lãnh thổ nước này.
Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi đã kêu gọi cả Kyiv và Moscow "kiềm chế tối đa" để tránh xảy ra tai nạn hạt nhân. Theo ông Grossi, hai trong số sáu lò phản ứng hạt nhân tại KNPP đang đóng cửa, trong khi hai lò khác đang hoạt động hoàn toàn. Hai lò phản ứng còn lại đang được xây dựng.
Ngày 6/8, các lực lượng Ukraine đã mở một cuộc đột kích xuyên biên giới vào vùng Kursk của Nga. Kể từ đó, cảnh báo tấn công bằng tên lửa đã được ban bố nhiều lần ở khu vực này. Theo Bộ Tình trạng Khẩn cấp của Nga, hơn 8.000 người đã được sơ tán khỏi các khu vực biên giới do các cuộc tấn công của Ukraine và hơn 6.000 người đã được đưa vào các trung tâm tạm trú.
Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, các bệnh viện đã tiếp nhận 69 người bị thương trong cuộc pháo kích của Ukraine vào Kursk.