Tối 29/6, nhạc kịch Bỉ vỏ - chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng, ra mắt khán giả tại Nhà hát Lớn Hải Phòng. 

Mở màn vở diễn, người xem thấy được bức tranh thời đại từ hiện thực hải cảng giao thương sầm uất bậc nhất Đông Dương - Hải Phòng 1937. 

Sân khấu nhốn nháo với cuộc rượt đuổi giữa sức mạnh tuyệt đối của chế độ thuộc địa Pháp với dã tâm bóc lột, bần cùng hóa dân lao động nghèo khổ khiến họ phải rời bỏ làng quê, thuyền lưới, chỉ còn con đường đi phu, làm thợ; tha hóa người dân lương thiện đi vào con đường ăn chơi, trụy lạc, lưu manh trộm cướp; nhào nặn lên một tầng lớp “anh chị” cộm cán mà Năm Sài Gòn cùng đồng bọn và Tám Bính là những nhân vật trung tâm…

Các nghệ sĩ Đoàn Ca múa Hải Phòng khiến khán giả ngỡ ngàng bởi sự bứt phá, thay đổi bản thân. Họ chưa từng diễn nhạc kịch nhưng khi thoại nhiều diễn viên chuyên nghiệp phải thán phục.

Nhận lời tham gia sáng tác và hoà âm phối khí cho Bỉ vỏ, nhạc sĩ Lưu Quang Minh tự hào là người con đất Cảng. Vì thế, câu chuyện trong kịch đã chạm tới cảm xúc của anh, truyền tới khán giả. 

“Cuộc sống thời kỳ ấy quá khắc nghiệt khiến con người rơi vào đường cùng dù sâu thẳm trong họ vẫn còn nhen nhóm sự lương thiện”, nhạc sĩ bày tỏ.

Ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú và đa dạng nhưng luôn là bài toán khó với các nhạc sĩ khi mong muốn giữ nguyên ý tứ lời văn của đạo diễn trên giai điệu do mình sáng tác. Song nhạc sĩ Lưu Quang Minh đã làm tốt vai trò của mình trong vở diễn này.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam sau khi xem nhạc kịch Bỉ vỏ phải thốt lên với PV VietNamNet hai từ: “Bất ngờ và ngạc nhiên”.

Theo ông, nhạc kịch là thể loại rất khó, Sở Văn hoá và Thể thao TP Hải Phòng đã táo bạo khi lựa chọn tiểu thuyết của nhà văn Nguyên Hồng, chỉ đạo Đoàn Ca múa Hải Phòng dựng. Hơn nữa, câu chuyện trong Bỉ vỏ không chỉ nói về quá khứ, mà còn là sự giáo dục cho tương lai, điều này rất có ý nghĩa. 

“Vở diễn kết hợp giữa âm nhạc, kịch nói, múa, cảnh trí sân khấu… mang tính đột phá. Đoàn Ca múa Hải Phòng đã dựng những vở ca cảnh nhưng rất chân phương, còn khi kết hợp với âm nhạc điện tử, nhạc kịch Bỉ vỏ thể hiện được rõ nét về tính cách nhân vật, tuyến kịch, tạo mạch xuyên suốt.

Tác giả, đạo diễn biết chắt lọc tình huống, các phần đối thoại nhằm làm rõ nét hơn tính cách Tám Bính, Năm Sài Gòn… Đây là loại hình rất nên khuyến khích và quảng bá rộng rãi hơn nữa để những tác phẩm có ý nghĩa giáo dục, chính trị, lịch sử được lan toả”, ông Quân chia sẻ.

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho hay “chưa bao giờ thấy nhạc kịch lại làm về đề tài lịch sử của xã hội Việt Nam”.

Theo bà, đây là thử thách lớn với ê-kíp vì để chuyển tải trọn vẹn tư tưởng của tác phẩm gốc song vẫn phù hợp với ngôn ngữ nhạc kịch, lấy được cảm xúc của khán giả là rất khó.

“Tổng đạo diễn Tuyết Minh đã có những bước tiến xa khi dàn dựng vở nhạc kịch Bỉ vỏ. Trước đây, chị từng dựng nhiều vở có quy mô hoành tráng hơn nhưng vở kịch này đòi hỏi sự tinh chắt. Chính sự tinh chắt đó đã chạm vào cảm xúc của khán giả. Có lẽ đây là lần đầu tiên một đoàn ca múa địa phương dám thực hiện vở nhạc kịch. Nhiều tài năng bộc lộ trong tác phẩm này, hai diễn viên đóng Tám Bính và Năm Sài Gòn thời trẻ múa rất đẹp, diễn xuất đầy cảm xúc", NSND Trịnh Thúy Mùi nói thêm.

Bà Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng cho biết, không chỉ tác phẩm gốc của nhà văn mới thu hút khán giả mà nhạc kịch Bỉ vỏ cũng khiến người xem thích thú vì sự mới mẻ trong cách thể hiện, diễn xuất của ê-kíp.

"Mọi thứ trong vở nhạc kịch đều sống động, cho dù có một vài nốt nhạc chưa chuẩn nhưng cảm xúc là thật. Cả diễn viên và khán giả đều có cảm nhận riêng, nhưng tôi tin họ đã được nâng niu trong không gian nghệ thuật", bà Hoàng Mai bày tỏ.

Nhạc kịch Bỉ vỏ được chỉ đạo nghệ thuật bởi NSND Khánh Hòa - Trưởng Đoàn Ca múa Hải Phòng. Nghệ sĩ Tuyết Minh làm tổng đạo diễn, viết lời ca khúc và kịch bản, kỹ thuật thanh nhạc do NSND Hà Thủy đảm nhiệm, nghệ sĩ Chinh Ba dàn dựng hợp xướng và nhạc sĩ Lưu Quang Minh làm giám đốc âm nhạc...

Nhạc kịch Bỉ vỏ sẽ được biểu diễn thêm buổi thứ hai vào tối 30/6 tại Nhà hát Lớn Hải Phòng.

anh11.jpg
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP Hải Phòng - Trần Thị Hoàng Mai tặng hoa con gái nhà văn Nguyên Hồng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thư - con gái thứ 4 của nhà văn Nguyên Hồng xúc động khi xem Bỉ vỏ.

Xem Bỉ vỏ, nhiều lần tôi xúc động bật khóc, như đoạn cuối khi Tám Bính trải qua nhiều vất vả, vùi dập vẫn nhận ra đứa con của mình... Trong cả vở kịch, các diễn viên đều "cháy" hết mình. Tôi cảm phục và biết ơn các nghệ sĩ, lãnh đạo ở Hải Phòng đã làm mọi cách để sáng tạo, nối dài tác phẩm của cha.

Trước khi xuống Hải Phòng, tôi thắp hương cho cha. Tôi tin cha rất mừng khi tiểu thuyết của mình được chuyển thành nhạc kịch. Nếu cha còn sống, ông sẽ khóc khi xem kịch vì từng có tình yêu lớn lao, sâu sắc với Hải Phòng. Tôi đã từng xem tác phẩm được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật nhưng vở nhạc kịch này khiến tôi thích và xúc động nhất.

Trích nhạc kịch "Bỉ vỏ":