Khóa đào tạo nâng cao năng lực ứng cứu sự cố tấn công mạng dành cho thành viên Mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia vừa được tổ chức trực tuyến, với giảng viên là các chuyên gia của Cơ quan ứng cứu sự cố Nhật Bản.
Chiều ngày 4/8, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan An toàn thông tin Nhật Bản (NISC) tổ chức hội thảo chủ đề “Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin về an toàn, an ninh mạng giữa cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp”.
Sự kiện được tổ chức ngay sau phiên họp của Nhóm công tác về an toàn thông tin ASEAN - Nhật Bản tại Hà Nội đầu tháng 8/2023, đồng thời cũng là hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ hợp tác hữu nghị ASEAN - Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch VNISA cho biết, ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kỹ thuật số, xã hội thông tin, sự phụ thuộc ngày càng gia tăng của con người vào Internet, các mối đe dọa nghiêm trọng về an toàn, an ninh cũng gia tăng về quy mô, mức độ và phạm vi mang tính toàn cầu, là thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp.
Những thách thức trên đòi hỏi cần có sự tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin cũng như cần sự nỗ lực hợp tác cụ thể trong việc phòng chống các mối đe dọa an toàn thông tin và hợp tác trong việc đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực an toàn thông tin chất lượng cao.
“Tuy nhiên, để hợp tác hiệu quả, chúng ta cần vượt qua nhiều trở ngại, rào cản như các vấn đề về pháp lý, cách thức tiếp cận, tạo lập niềm tin lẫn nhau”, ông Nguyễn Thành Hưng chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Hưng, với vai trò của một hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực an toàn thông tin, thời gian qua VNISA đã thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua nhiều hoạt động kết nối cộng đồng an toàn thông tin, xây dựng hệ sinh thái an toàn thông tin, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa nhà nước với cộng đồng an toàn thông tin, tăng cường nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt là, chung tay tạo dựng niềm tin trong xã hội – nền tảng vững chắc cho việc thiết lập mối quan hệ hợp tác hiệu quả và bền vững giữa các bên trong phòng chống các nguy cơ ngày càng gia tăng về an ninh, an toàn thông tin.
Việc VNISA chủ trì tổ chức Hội thảo chủ đề “Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin về an toàn, an ninh mạng giữa cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp” mang đến cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp an toàn thông tin tại Việt Nam cơ hội được học hỏi cách bảo đảm an toàn thông tin mạng của Nhật Bản.
Đây là một quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng chiến lược an toàn, an ninh mạng, trong việc triển khai hiệu quả hợp tác công – tư cũng như trong việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Thông tin với các đại biểu, ông Junichi Sakaki, Cố vấn chính sách quốc tế của NISC khẳng định, trong triển khai đảm bảo an ninh mạng tại Nhật Bản, cơ quan này luôn tăng cường chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ, các tổ chức cũng như các cơ quan, doanh nghiệp.
Liên quan đến việc bảo vệ các hạ tầng trọng yếu, Nhật Bản đã xây dựng và ban hành 1 kế hoạch hành động chung giữa các cơ quan chính phủ và các tổ chức liên quan. Dựa trên kế hoạch hành động này, cơ quan Trung ương về chiến lược an ninh mạng đưa ra 1 bản hướng dẫn cho các cơ quan, đơn vị.
Song song đó, NISC cũng đã có các sáng kiến để thúc đẩy chia sẻ thông tin với khu vực tư nhân. Đơn cử như, Hội đồng an ninh mạng được thành lập vào tháng 8/2019, với nhiệm vụ chống lại các tấn công của tội phạm mạng, hạn chế tổn thất cũng như thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, từ đó đảm bảo an ninh mạng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Các hoạt động chia sẻ thông tin cũng đã được bắt đầu từ tháng 10/2019.
Tham gia trực tuyến từ Nhật Bản, ông Yamazaki Hiroto, Cố vấn cấp cao về an toàn thông tin của JICA nêu rõ, Chiến lược an ninh mạng mới của Nhật Bản được công bố năm 2022 hướng tới bảo đảm an toàn thông tin cho tất cả mọi người, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong môi trường an toàn. Trong chiến lược có nội dung bảo đảm hạ tầng trọng yếu cho 14 lĩnh vực, đi kèm các biện pháp ứng phó khác nhau.
“Việc đảm bảo an toàn cho các hạ tầng trọng yếu có ý nghĩa quan trọng, trong đó có việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ phát triển năng lực, phản ứng, ứng phó để giúp hạ tầng trọng yếu được đảm bảo tốt hơn”, ông Yamazaki Hiroto nhấn mạnh.
Về chia sẻ thông tin giữa cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân, theo đại diện JICA, Nhật Bản có các trung tâm ISAC chia sẻ thông tin giữa khu vực công và tư trong 7 lĩnh vực như điện, ô tô, sản xuất, viễn thông… Nhờ chia sẻ thông tin qua các trung tâm ISAC mà các tổ chức bị tấn công có thể ngăn chặn để không bị tấn công lan rộng.
Bên cạnh những chia sẻ từ các chuyên gia Nhật Bản, trong khuôn khổ hội thảo, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), VNISA, các doanh nghiệp MISA, FPT, CyRadar, SAVIS cũng đã trao đổi, chia sẻ về hiện trạng an toàn thông tin mạng Việt Nam, kinh nghiệm xây dựng chính sách và hỗ trợ các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế trong khu vực; hợp tác chia sẻ tài nguyên để phát triển sản phẩm an toàn thông tin…