Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, nhiều vật chứng, tài sản có giá trị lớn tồn đọng khi bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong thời gian dài chưa được xử lý sớm để lưu thông, gây đóng băng, lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. 

Thực tiễn đòi hỏi cần có quy định để xử lý sớm hơn, chủ động, linh hoạt hơn đối với vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (không phải đợi đến khi có quyết định đình chỉ hoặc bản án, quyết định của tòa án).

202410300828288557_z5980820874881_457a768f45d88e7a76ff28ee366ca4e9.jpg
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày dự thảo nghị quyết. Ảnh: Quốc hội

Mục đích nhằm bảo đảm chống đóng băng tài sản, thất thoát, hao hụt giá trị của vật chứng, tài sản; kịp thời thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước và khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Dự thảo nghị quyết đề xuất cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án có thể xem xét, quyết định áp dụng ngay các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, bao gồm: Xử lý vật chứng, tài sản là tiền; Nộp tiền bảo đảm để cơ quan tiến hành tố tụng hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tạm ngừng giao dịch; Cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và tạm giữ số tiền thu được; Giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; Tạm dừng giao dịch và xử lý tài sản tạm dừng giao dịch.

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, trong 5 biện pháp có 4 nhóm biện pháp áp dụng đối với vật chứng, tài sản đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; 1 nhóm biện pháp áp dụng có tính chất “khẩn cấp tạm thời” và có thể áp dụng ngay ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Theo Ủy ban Tư pháp đây là biện pháp chưa được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự. Việc thí điểm các biện pháp này sẽ góp phần giải quyết cơ bản những vướng mắc, bất cập hiện nay.

202410300834472117_z5980854849813_3a68fc213f2af6c6a9ec55f34cfcab41.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày thẩm tra dự thảo nghị quyết. Ảnh: Quốc hội

Về các biện pháp cụ thể, dự thảo nghị quyết quy định cơ chế cho phép người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân được nộp tiền bảo đảm thi hành án để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa. Số tiền nộp bảo đảm không thấp hơn giá của vật chứng, tài sản theo kết luận định giá tài sản.

Ủy ban Tư pháp tán thành phương án trên và cho rằng biện pháp này tạo khả năng sớm thu được khoản bồi thường thiệt hại, giảm thiểu việc phải đưa ra xử lý tài sản, tiết kiệm chi phí, đồng thời, bảo đảm quyền cho chủ sở hữu tài sản.

Cơ quan thẩm tra cũng tán thành quy định cơ quan tiến hành tố tụng có thể cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản thông qua hình thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các đồng sở hữu mua lại vật chứng, tài sản.