Bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nói tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số diễn ra ngày càng phức tạp.
Công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu do đầu tư về nguồn lực không tương xứng với tình hình hiện tại. Bên cạnh đó, nhận thức về bản quyền ở Việt Nam còn thấp cũng như việc xử lý vi phạm còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe.
Hành lang pháp lý là nền tảng
Phần quyền tác giả và quyền liên quan trong Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ 2019 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) được điều chỉnh theo hướng làm rõ nội dung; sửa đổi, bổ sung, thiết kế lại một số điều luật sao cho phù hợp với quy định tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) cũng như ban hành một số quy định mới.
Lần đầu tiên, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật; quy định trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian...
Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam đánh giá điểm sáng của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 là sự xuất hiện của Điều 198a về giả định quyền tác giả, quyền liên quan.
Thực tiễn, rất ít tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện các thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nhằm xác lập quyền của mình, khi phát hiện tác phẩm của mình bị vi phạm mới đăng ký thì không còn giá trị chứng minh.
Các chủ thể được chuyển giao quyền lại càng bất lợi khi phải chứng minh mình là đơn vị được chuyển giao lẫn đơn vị chuyển giao quyền là chủ sở hữu gốc của tác phẩm bị vi phạm.
Theo Điều 198a, nếu không có chứng cứ ngược lại, các cá nhân, tổ chức được nêu tên theo cách thông thường (tức được nêu tên trên bản gốc tác phẩm, bản định hình đầu tiên, nếu không còn tồn tại sẽ xét bản sao hợp pháp) sẽ được coi là chủ thể quyền đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đó - căn cứ quan trọng cho việc chứng minh chủ thể quyền này.
Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan (thay thế Nghị định số 22/2018/NĐ-CP) được thiết kế chi tiết, có những quy định mang tính bao quát nhằm tránh bỏ sót trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Đơn cử Khoản 4 Điều 64, căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam lẫn hành vi xảy ra trên môi trường mạng viễn thông và mạng internet mà người tiêu dùng hoặc người khai thác, sử dụng nội dung thông tin số tại Việt Nam.
Theo Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 cùng Nghị định số 17/2023/NĐ-CP sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng.
Công nghệ - chìa khóa mở cánh cửa tương lai của bản quyền
Các đại biểu tin rằng công nghệ đóng vai trò cốt lõi đối với ngăn chặn vi phạm bản quyền trên không gian mạng.
Luật Sở hữu trí tuệ cho phép chủ thể áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền hoặc ngăn ngừa những hành vi xâm phạm. Ngược lại, hành vi cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện trên bản gốc, bản sao tác phẩm được xác định là hành vi xâm phạm.
Đại diện Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết đã ứng dụng công nghệ số để theo dõi, khai thác, quản lý việc sử dụng các tác phẩm đồng thời thực hiện giám sát và ngăn chặn các vi phạm bản quyền trên không gian mạng.
Hiện tại, các hoạt động như số hóa, lưu trữ và trao đổi dữ liệu quốc tế; đối soát và yêu cầu/xác nhận tiền bản quyền trên môi trường số; theo dõi phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm đều được thực hiện bởi các phần mềm nước ngoài và 1 phần mềm do VCPMC phát triển.
Đại diện Tập đoàn Canal+, Tập đoàn Nagra và BTC Giải bóng đá ngoại hạng Anh chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng công nghệ ngăn chặn vi phạm bản quyền trên không gian mạng.
Theo sáng kiến của Canal+, khi xảy ra xâm phạm, chủ sở hữu bản quyền và đài truyền hình gửi yêu cầu, ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền thẩm định xong, đơn vị kỹ thuật trung gian sẽ lập tức tiến hành chặn truy cập website lậu.
Hiện có 12 quốc gia có khung pháp lý đủ vững chắc để cơ quan có thẩm quyền áp dụng việc thẩm định tự động phần lớn trường hợp đủ điều kiện, từ đó quy trình diễn ra nhanh chóng.
Tại Pháp, Canal+ đã chặn hơn 1.700 web lậu, xóa sổ hơn 200 miền khỏi Google, buộc 15% người dùng internet chuyển sang các dịch vụ nghe, xem hợp pháp. Ở Bờ Biển Ngà, 66% người dùng mạng bị chặn truy cập vào website lậu.
Trong khi đó, giải pháp công nghệ của Nagra tập trung vào xử lý các website lậu cung cấp nội dung nghe, xem miễn phí, dịch vụ chia sẻ mã khóa và cung cấp dịch vụ truyền hình giao thức internet lậu. Tập đoàn này hệ thống hóa quy trình chặn truy cập, phối hợp tất cả các bên có liên quan để chặn DNS và IP các bên sai phạm.
Trước câu hỏi về sai phạm trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, đại diện Nagra nói đang dần làm việc với các bên liên quan để lo liệu mảng này.
Ông Aaron Herps, Trưởng phòng bảo vệ bản quyền Khu vực châu Á Thái Bình Dương, BTC Giải bóng đá ngoại hạng Anh nhận định thực trạng xem bóng đá lậu ở Việt Nam chủ yếu từ các website được 'bảo kê' bởi các tổ chức tội phạm cá độ.
Phía ông đang phối hợp K+ tìm kiếm những website phát nội dung trái phép để xử lý, sắp tới tổ chức chương trình nâng cao nhận thức xâm phạm bản quyền đầu tiên tại Việt Nam.
Về pháp lý, theo ông Herps, cần thiết xây dựng quy định chặn truy cập tại thời gian thực. Đơn vị này từng vận động và làm việc với nhà chức trách tại nhiều quốc gia nên sẽ sớm xúc tiến tại Việt Nam.
Phản hồi câu hỏi về chi phí cho công nghệ, Canal+ nói sẽ chi trả vì xem hoạt động đầu tư vào công nghệ như giải pháp chung. Thời hạn áp dụng tùy thuộc vào quá trình đàm phán các bên.