Giảm phí

Theo NHNN mức giảm phí dịch vụ áp dụng trên giao dịch ATM, POS xử lý qua NAPAS và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7. Thời gian áp dụng từ ngày 1/8/2021 đến ngày 31/12/2021.

Theo đó, NHNN chỉ đạo Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tiếp tục triển khai chính sách giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử năm 2021.

Cụ thể, NAPAS giảm 50% phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho các giao dịch trên ATM, POS so với mức phí đang áp dụng; giảm tối thiểu 75% phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho các giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 so với mức phí đang áp dụng.

Vì vậy, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện điều chỉnh giảm phí giao dịch trên ATM, POS xử lý qua NAPAS và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng mức giảm phí của NAPAS điều chỉnh giảm.

Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giảm phí lớn hơn mức giảm của NAPAS; trong đó đối với các trường hợp đang áp dụng chính sách miễn phí đề nghị tiếp tục thực hiện. Thời gian thực hiện tối thiểu từ ngày 1/8/2021 đến ngày 31/12/2021.

{keywords}
Giảm phí và lãi suất giúp người dân ổn định sản xuất kinh doanh

Công văn của NHNN cũng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm về việc xây dựng, triển khai chính sách giảm phí cho khách hàng tại đơn vị mình bao gồm loại phí giảm, mức giảm phí, khách hàng giảm phí… đảm bảo các loại phí, mức giảm phí và thời gian áp dụng đáp ứng yêu cầu như đã nêu trên.

Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có báo cáo Thống đốc NHNN về các loại phí giảm, mức phí giảm và thời gian áp dụng giảm phí trước ngày 15/8/2021 thông qua Vụ Thanh toán –Ngân hàng Nhà nước.

Trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, năm 2020, NHNN và các tổ chức đã có nhiều chính sách hỗ trợ. NAPAS đã thực hiện 3 lần giảm phí chuyển mạch và bù trừ (lần 1 vào ngày 25/2/2020, lần 2 vào ngày 25/3/2020 và lần 3 vào ngày 23/11/2020) với tổng số tiền lên tới gần 530 tỷ đồng, là cơ sở cho các Ngân hàng tiếp tục miễn, giảm phí dịch vụ cho khách hàng và người dân.

Hạ lãi suất 

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đồng loạt giảm lãi suất. Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay tới 3%/năm so với lãi suất hiện hành của MSB từ nay đến ngày 31/12/2021 nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Đối với ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), với các biện pháp đã thực hiện, đến 30/6/2021, VietinBank đã hỗ trợ cho vay mới khoảng 590 nghìn tỷ đồng, hạ lãi suất cho gần 7.500 khách hàng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, dư nợ đang được miễn giảm lãi suất là 260 nghìn tỷ đồng, tổng số tiền lãi thực đã hạ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng từ thời điểm dịch bệnh bùng phát đến nay là gần 4.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VietinBank đã miễn giảm nhiều loại phí để hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn với tổng số tiền hỗ trợ trên 500 tỷ đồng.

Mới đây VietinBank tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên tới 1%/năm cho các khách hàng chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, đồng thời triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi được cân đối từ nguồn vốn thương mại của ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thiết yếu của người dân và doanh nghiệp. Dự kiến tổng số tiền lãi và phí VietinBank hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 trên 2.000 tỷ đồng và cả năm lên tới trên 6.000 tỷ đồng.

Với ngân hàng Agribank, đối với khoản vay tại thời điểm 15/7, Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên. Uớc tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất kéo dài tới hết năm 2021, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.

Bên cạnh việc hạ lãi suất, Agribank cũng đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, như cơ cấu lại nợ gốc và lãi, miễn phí chuyển tiền trong nước và ủng hộ hơn 130 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài ảnh: Thu Thủy