Động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận

Báo cáo của NHNN cho thấy, nếu như quý I/2020 tín dụng BĐS chỉ tăng 0,88% thì hết quý II/2020 đã tăng tới 10,21%. Theo báo cáo tài chính 9 tháng của nhiều ngân hàng TMCP thuộc top đầu lợi nhuận toàn hệ thống, tín dụng BĐS cũng đang là một trong những động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận.

Tại một tọa đàm trực tuyến mới đây, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận xét, mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, song thị trường BĐS đang có dấu hiệu ấm lên, đặc biệt là từ quý IV/2020. Lãi suất cho vay liên tục hạ nhiệt càng hỗ trợ tích cực cho thị trường này. Do đó, ngân hàng cho vay BĐS - nếu lựa chọn phân khúc phù hợp - rủi ro là rất thấp.

Đại diện ngân hàng Techcombank cũng cho hay, ngân hàng “chuộng” tín dụng BĐS không có gì ngạc nhiên, bởi đây là phân khúc có biên lợi nhuận tốt, tài sản bảo đảm tốt, tính thanh khoản cao. Tuy nhiên, tín dụng BĐS cũng được nhiều người “đánh đồng” với rủi ro, do hệ lụy từ bong bóng tín dụng BĐS giai đoạn trước đây.

Trước quan ngại này, lãnh đạo Techcombank cho rằng, việc đánh đồng tín dụng BĐS với rủi ro là không đúng. Bởi, rủi ro hay không nằm ở chính cách quản trị của ngân hàng. Thực tế, nếu lựa chọn đúng phân khúc phục vụ nhu cầu thực, cho vay BĐS thực ra còn ít rủi ro hơn nhiều phân khúc khác. Hơn nữa, thị trường BĐS cũng được đánh giá cao về tiềm năng hồi phục trong thời gian tới.

Đồng tình với ý kiến trên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu chủ đầu tư và ngân hàng đều minh bạch, cho vay BĐS không hề đáng sợ, thậm chí nợ xấu còn thấp hơn một số lĩnh vực khác. “Thực tế, ở nhiều quốc gia phát triển, cho vay BĐS (kể cả cho vay cá nhân mua nhà và cho vay chủ đầu tư) của nhiều ngân hàng là rất lớn”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét.

{keywords}
 

Theo giới chuyên gia, kinh tế có dấu hiệu phục hồi khá rõ cộng với việc NHNN hoãn lộ trình giảm sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn… sẽ khiến thị trường BĐS hưởng lợi thời gian tới. Vì vậy, các ngân hàng có thương hiệu uy tín, có lợi thế trong hệ sinh thái BĐS, xây dựng, vật liệu xây dựng… càng có nhiều cơ hội.

Đơn cử, theo báo cáo tài chính 9 tháng của Techcombank, tín dụng ngân hàng này tính đến 30/9 chỉ tăng 8,3% nhưng thu nhập lãi thuần (NII) tăng tới 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần đến từ việc tập trung cho vay hệ sinh thái BĐS, xây dựng, vật liệu xây dựng mà ngân hàng có lợi thế. Lãi thuần tăng mạnh là một trong những nguyên nhân khiến Techcombank duy trì vị trí top đầu lợi nhuận khối ngân hàng TMCP tư nhân, với tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) đạt 3.

{keywords}
 

Tiếp cận theo chuỗi giá trị giúp hạn chế rủi ro

Lý giải nguyên nhân đẩy mạnh cho vay BĐS cũng như kiểm soát tốt nợ xấu trong lĩnh vực này, ông Phùng Quang Hưng - Phó Tổng Giám đốc Techcombank cho hay, nhiều năm qua, Techcombank đã tích lũy được kinh nghiệm và hiểu biết chuyên sâu về thị trường BĐS, nắm bắt được cơ chế vận động của thị trường, nhờ vậy kiểm soát tối đa rủi ro trong lĩnh vực này. Điểm khác biệt của Techcombank, với nhiều ngân hàng khác khi cho vay BĐS, đó là cho vay theo chuỗi giá trị. Từ đó, ngân hàng nắm bắt được thời điểm phù hợp để giải ngân cho khách hàng và để quản trị tốt nhất dòng tiền.

“Chúng tôi quản trị cả dòng tiền và nắm được dòng hàng trên cả chuỗi giá trị đó. Điều đó giúp cho chúng tôi quản trị rủi ro tốt và được chứng minh bằng các con số. Ví dụ, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank tại thời điểm 30/9/2020 chỉ ở mức 0,6 %, tỷ lệ nợ xấu cho vay mua nhà của Techcombank chỉ dưới 0,7%. Đó là những con số hết sức lành mạnh và ổn định trong bối cảnh thị trường chịu nhiều tác động của dịch Covid-19”, ông Hưng khẳng định.

Đẩy mạnh số hóa để tăng trải nghiệm khách hàng

Trong buổi trao đổi với nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo Techcombank cho biết thêm, việc quản trị rủi ro tốt, hiểu rõ nhu cầu khách hàng, duy trì bảng chất lượng tài sản tốt… giúp Techcombank ngăn ngừa, quản lý được rủi ro nợ xấu phát sinh. Bên cạnh đó, tiềm lực tài chính dồi dào cũng giúp ngân hàng thường xuyên tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu, khiến nợ xấu luôn ở trong mức an toàn. 

Ông Phùng Quang Hưng cho biết, thời gian tới, dù vẫn đi theo cho vay dựa trên chuỗi giá trị, song Techcombank sẽ áp dụng số hóa nhiều hơn để tăng trải nghiệm cho khách hàng.

“Chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ, kết hợp với đối tác tăng trải nghiệm cho khách hàng mua nhà. Bởi điều khách hàng cần không phải chỉ là đi vay, mà là mua được một căn nhà và làm thế nào để quá trình mua nhà, chuyển vào nhà mới được thuận tiện. Doanh nghiệp cũng có nhu cầu tương tự. Việc áp dụng năng lực số hóa, sử dụng dữ liệu, mang lại những giải pháp và những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng là trọng tâm trong những năm tới”, ông Hưng cho biết.   

Doãn Phong