Ông Lê Hồng Khang - Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm FiinRatings của Tập đoàn FiinGroup chia sẻ với PV. VietNamNet về tình hình nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các ngân hàng cũng như rủi ro dây chuyền và hướng phát triển kênh huy động vốn quan trọng này.
- Theo số liệu của FiinRatings, các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán nắm giữ bao nhiêu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẵn sàng để bán? Tăng hay giảm so với đầu năm?
-Ông Lê Hồng Khang: Theo số liệu cập nhật của FiinRatings, dựa trên các báo tài chính của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã công bố thông tin, đã có 17 ngân hàng đã thống kê số lượng TPDN nắm giữ sẵn sàng để bán tại ngày 31/12/2022, với tổng giá trị 188 nghìn tỷ đồng. Con số này thấp hơn khoảng 28 nghìn tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/12/2021.
Xu hướng giảm này gắn liền với hoạt động đầu tư mới suy giảm, hoạt động phát hành trái phiếu giảm mạnh năm 2022 và do hoạt động mua lại trước hạn diễn ra mạnh, nhất là đối với các tổ chức phát hành là doanh nghiệp bất động sản. Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính mà 28 ngân hàng niêm yết sở hữu ở mức gần 290 nghìn tỷ đồng.
- Các ngân hàng đang nắm giữ nhiều trái phiếu nhất? Xin ông cho biết, danh mục trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng có tiềm ẩn rủi ro hay không khi thị trường đã xuất hiện một số trường hợp chậm trả lãi và gốc trái phiếu?
- Ông Lê Hồng Khang: Đối với các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính nêu trên, nhóm 5 ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở MBBank (MBB), Techcombank (TCB), VPBank (VPB), TPBank (TPB) và SHB.
Việc đánh giá mức độ ảnh hưởng của trái phiếu doanh nghiệp đến ngân hàng hay mức độ rủi ro ra sao phụ thuộc nhiều yếu tố chứ không phải cứ ngân hàng nào sở hữu hoặc đầu tư nhiều trái phiếu thì có mức độ ảnh hưởng lớn.
Các yếu tố đó không chỉ là mức độ hay quy mô trái phiếu đang nắm giữ mà còn phụ thuộc vào mức xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp phát hành hay nói cách khác là khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ nói chung.
Tỷ trọng danh mục sở hữu trái phiếu trên tổng dư nợ tín dụng hoặc tổng tài sản sinh lời của mỗi ngân hàng cũng khác nhau và trên bình diện chung như chúng tôi đã phân tích là không lớn.
Hiện tổng dư nợ trái phiếu sở hữu bởi ngân hàng trên tổng tài sản sinh lời ở mức chỉ khoảng 2,3% trên toàn hệ thống. Do đó, mức ảnh hưởng nếu có sẽ không quá lo ngại nếu như vấn đề tái cấu trúc nợ trái phiếu được diễn ra mạnh hơn theo Nghị định 08 và các giải pháp hỗ trợ thị trường này của Chính phủ trong thời gian gần đây được thực hiện một cách hiệu quả.
- Liệu có rủi ro gia tăng nợ xấu vì trái phiếu hay không?
- Ông Lê Hồng Khang: Đối với các ngân hàng nắm giữ các trái phiếu hoặc cho vay các doanh nghiệp bất động sản có năng lực tín dụng ở mức trung bình hoặc yếu kém, khả năng ảnh hưởng dây chuyền đến các khoản nợ vay, trái phiếu do ngân hàng nắm giữ của các doanh nghiệp này là có và mang tính hiện hữu.
Trường hợp xảy ra các sự kiện vi phạm được quy định trong giao ước giữa tổ chức phát hành và tổ chức cho vay ví dụ như việc tổ chức phát hành chậm trả các khoản nợ khác, điều khoản cross-default (vỡ nợ chéo) lúc này có thể được áp dụng và cho phép tổ chức cho vay thu hồi sớm các khoản nợ vay để bảo toàn lợi ích của tổ chức cho vay.
Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng có thể xúc tiến tái cơ cấu nợ trái phiếu và tín dụng tùy theo tình huống của từng doanh nghiệp và từng dự án. Hiện Nghị định 08 đã quy định và tạo cơ chế để các nhà đầu tư bao gồm ngân hàng thực hiện điều này.
Tuy nhiên, đối với trường hợp các doanh nghiệp đã thông báo chậm trả gốc lãi trái phiếu hiện nay do mất khả năng thanh toán thì nếu không tìm được các giải pháp cải thiện thanh khoản thì khả năng các doanh nghiệp này không đáp ứng các nghĩa vụ nợ khác là tương đối cao.
- Ông đánh giá như thế nào về áp lực trả nợ khi trái phiếu đến hạn?
- Ông Lê Hồng Khang: Tổng giá trị TPDN riêng lẻ của các tổ chức phát hành là doanh nghiệp phi tài chính sẽ đến kỳ thanh toán hay đáo hạn trong năm 2023 được ước tính ở mức 235 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn ở mức khoảng 100 nghìn tỷ đồng. Tổng dư nợ trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong hai quý sắp tới lần lượt ở mức 36,2 nghìn tỷ đồng vào quý II và 35,4 nghìn tỷ đồng vào quý III.
Đây rõ ràng là áp lực dòng tiền rất lớn, nhất là trong bối cảnh ảm đạm của các ngành đang có dư nợ trái phiếu lớn như ngành bất động sản và năng lượng và một số ngành liên quan đến bất động sản như xây dựng và vật liệu.
Chúng tôi kỳ vọng các chính sách mới hiện nay, bao gồm Nghị định 08 về trái phiếu riêng lẻ và Nghị quyết 33 vừa ban hành của Chính phủ, sẽ là nền tảng tạo điều kiện cho các thành viên thị trường tích cực đẩy mạnh thực hiện hoạt động tái cấu trúc nợ, cũng như chung tay hỗ trợ chủ đầu tư tiếp cận nguồn tín dụng mới với kỳ hạn dài hơn khi các biện pháp cho vấn đề pháp lý bất động sản được triển khai song song.
- Ông đánh giá như thế nào về triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023?
- Ông Lê Hồng Khang: Việc thị trường TPDN tiếp tục trầm lắng trong quý I/2023 là diễn biến đã được dự đoán trước từ nửa sau năm 2022 khi động lực để hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ sôi động trong các năm trước (chiếm tới hơn 95% số lượng phát hành trên thị trường TPDN) đến từ nhóm các doanh nghiệp bất động sản và năng lượng. Nhóm này đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh trước các diễn biến không thuận lợi về điều kiện kinh doanh hiện nay. Bên cạnh đó, sức hút từ trái phiếu doanh nghiệp đã suy giảm mạnh khi mức độ quan tâm của nhà đầu tư cá nhân thấp hơn thời điểm trước tương đối đáng kể.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn có một số lô phát hành của các doanh nghiệp trong một số ngành như thực phẩm, xây dựng hạ tầng và một số giao dịch phát hành khác có tham gia xếp hạng tín nhiệm hoặc đánh giá tín dụng. Đặc điểm chung của các đợt phát hành này là thường gắn với các doanh nghiệp đầu ngành hoặc có dự án kinh doanh và có thông tin minh bạch về phương án sử dụng vốn và một số trong đó được hỗ trợ bởi kết quả xếp hạng tín nhiệm hoặc đánh giá tín dụng độc lập.
Ngoài ra, chúng tôi cho rằng hoạt động trái phiếu cũng sẽ dần khởi động trở lại như là một giải pháp tái tài trợ các nghĩa vụ nợ vay nói chung, trong đó nợ trái phiếu. Tuy nhiên, điều này chỉ thực hiện được khi có sự tham gia của nhà đầu tư mới, nhất là tổ chức. Hiện các tổ chức bảo hiểm không được đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích tái tài trợ theo Luật Kinh doanh Bảo hiểm mới đi vào hiệu lực đầu năm 2023. Do đó, cầu về trái phiếu sẽ chủ yếu đến từ tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước khác và có thể là phát hành đại chúng.
Chúng tôi cho rằng thị trường trái phiếu sẽ dần khôi phục nhưng rất chậm và chưa kỳ vọng về trái phiếu bất động sản cho đến khi vấn đề pháp lý được tháo gỡ, cung tín dụng được mở một cách chọn lọc và các doanh nghiệp chấp nhận giảm giá bán bất động sản. Thị trường hồi phục chậm nhưng sẽ đi vào chiều sâu. Thị trường TPDN sẽ dành cho những nhà đầu tư tổ chức hoặc nhà đầu tư doanh nghiệp hoặc cá nhân thực sự chuyên nghiệp có am hiểu về doanh nghiệp và hiểu rõ những rủi ro tương ứng với mức lãi suất được chào bán.
- Ông đánh giá như thế nào về việc cần thiết định mức tín nhiệm trong hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp?
- Ông Lê Hồng Khang: Từ thực tế việc yêu cầu xếp hạng tín nhiệm (XHTN) bắt buộc trước khi thành thông lệ đối với hoạt động phát hành trái phiếu đã được áp dụng nhiều thập kỷ bởi các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như tại các quốc gia có cơ cấu thị trường trái phiếu tương đồng với Việt Nam như Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, v.v. Ngoài ra, riêng tại Thái Lan thì quy định yêu cầu tất cả các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí và định chế đầu tư chỉ được đầu tư vào các trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm. Đó cũng là một phần lý do mà nhà đầu tư cá nhân tại Thái Lan chiếm tới hơn 40% giá trị trái phiếu lưu hành tại thị trường này nhưng chưa gặp phải các vấn đề như tại Việt Nam.
Mặc dù không phải là cây đũa thần có thể giải quyết tất cả các khiếm khuyết của thị trường vốn, tuy nhiên, XHTN là một trong những hạ tầng quan trọng đối với sự phát triển bền vững lâu dài của thị trường.
XHTN giúp giảm bất cân xứng thông tin giữa các chủ thể tham gia thị trường vốn, cung cấp các phân tích có chiều sâu về rủi ro của đơn vị phát hành công cụ nợ. Để hỗ trợ hoạt động huy động vốn được diễn ra hiệu quả, nhà đầu tư cần được cập nhật những đánh giá về khả năng trả nợ của doanh nghiệp và những rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải do môi trường và điều kiện kinh doanh thay đổi. Đối với doanh nghiệp, cần phải minh bạch trong việc cung cấp thông tin đến nhà đầu tư để các quyết định đầu tư được đưa ra nhanh chóng, kịp thời và hợp lý. Tổ chức XHTN với vai trò là đơn vị trung gian sẽ đưa ra các phân tích và đánh giá độc lập sẽ hỗ trợ làm giảm những rào cản về bất cân xứng thông tin này, đặc biệt trong bối cảnh điều kiện và môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng như hiện nay
Hơn nữa, có một đặc điểm quan trọng là chất lượng trái phiếu hay công cụ nợ đó cần được đánh giá thông qua xếp hạng tín nhiệm trong suốt vòng đời đến khi đáo hạn thay vì chỉ tại thời điểm phát hành theo thông tin kê khai trên bản cáo bạch hoặc phương án phát hành. Bởi trái phiếu là một sản phầm đầu tư có kỳ hạn dài và rất dài và có thể được phân phối và giao dịch thứ cấp trên thị trường.
Ngoài ra cũng bởi điều kiện và môi trường kinh doanh là luôn thay đổi và do cả các yếu tố khách quan và môi trường bên ngoài mà tại thời điểm phát hành đã là thông tin quá cũ. Do đó, việc sở hữu bởi nhà đầu tư tổ chức thông qua phát hành riêng lẻ thì xếp hạng tín nhiệm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cập nhật chất lượng tín dụng của doanh nghiệp. Đây là thông lệ đã hình thành trên các thị trường quốc tế và vai trò của xếp hạng tín nhiệm là góp phần nhằm giảm bất đối xứng về thông tin và giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến gần với nhau hơn, hiểu nhau hơn và tiến đến giao dịch một cách tự tin hơn cũng như công tác quản trị rủi ro sau này.