Chiều 14/3, TAND TP.HCM tiếp tục ngày thứ 10 phiên xét xử đối với bà Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng các bị cáo về những sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

HĐXX xét hỏi đối với những người có liên quan và bị hại. Ngân hàng SCB được xác định là bị hại và là người có quyền lợi liên quan tới vụ án.

W-truong-my-lan-112-1.png
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Nguyễn Huế

Trình bày tại tòa, ông Hà Thế Định (Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) không đồng tình với xác định số tiền thiệt hại là 498.000 tỷ đồng của CQĐT.

Theo ông Định, thiệt hại mà bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây ra cho SCB là 677.000 tỷ đồng tiền gốc và hơn 84.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh tính đến thời điểm mở phiên tòa (ngày 5/3).

Đại diện SCB đề nghị HĐXX giao cho SCB toàn quyền sử dụng, khai thác đối với 1.166 mã tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan dùng bảm bảo cho các khoản vay của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, không phân biệt tài sản đó có đủ điều kiện pháp lý đảm bảo hay không.

Đồng thời, phía SCB cũng đề nghị HĐXX tiếp tục truy tìm, phong tỏa, kê biên các tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm cùng các tổ chức có liên quan còn chưa được kê biên, phong tỏa giao cho SCB để khắc phục hậu quả.

W-vu-vtp-1.jpg
Đại diện Ngân hàng SCB đề nghị tiếp tục truy tìm, kê biên tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Nguyễn Huế

Ngân hàng này còn đề nghị HĐXX giao cho SCB được quyền quản lý, sử dụng các tài sản, vật chứng đảm bảo xử lý nợ. Trong trường hợp không tự xử lý được thì yêu cầu cơ quan thi hành án hỗ trợ.

Ngoài ra, đại diện Ngân hàng SCB cũng đề nghị HĐXX xem xét buộc 5 công ty thẩm định giá gồm: Công ty cổ phần thẩm định giá Thiên Phú, Công ty TNHH thẩm định giá MHD, Công ty Tầm nhìn mới, Công ty cổ phần tư vấn dịch vụ bất động sản DATC, Công ty cổ phần thẩm định giá EXIM liên đới bồi thường cho SCB.

Theo cáo buộc, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện nhiều hành vi sai phạm trong các quy định cho vay, gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỷ đồng.