Gần 80 tuổi, muốn tuyển "con gái nuôi"
26 tuổi, là MC, nhân viên truyền thông một công ty ở Quận 1, TPHCM, Lê Quỳnh Như cho biết cô từng gặp nhiều người đàn ông gạ gẫm làm... "sugar baby".
Như mở tin nhắn của anh T., 47 tuổi, là Phó giám đốc công ty về thiết bị công nghệ: "Em thích căn hộ nơi đó không?", "Em cần gì cũng có, không phải lo lắng kiếm tiền làm gì cho vất vả", "Em chỉ cần chuyên tâm công việc thôi..."
Quỳnh Như cho biết, anh em quen nhau do tính chất công việc. Khi cô dẫn chương trình giới thiệu sản phẩm cũng gặp gỡ, trao đổi qua lại. Từ những lời khen ngợi, tán tỉnh, anh T. đề nghị Như làm "sugar baby".
Là chỗ anh em, Như không phản ứng quá gay gắt mà chỉ đáp lại: "Anh lo cho vợ con đi anh ơi. Thân em, em lo được!".
Cô gái cao ráo, trắng trẻo, khéo ăn nói, công việc yêu cầu giao tiếp, gặp gỡ nhiều nên cô cũng rất trau chuốt hình ảnh bên ngoài. Anh T. không phải là người đầu tiên "gạ" cô làm... "bé đường".
Không ít anh này, chú nọ từng mở lời "sẵn sàng bao em" với Như. Có bác gần 80 tuổi, là nguyên giám đốc đến dự tiệc của công ty, xem cô như con cháu. Ai dè vài lần hỏi han, "ông bác"... hiện hình, nói thẳng muốn nhận Như làm "cháu gái nuôi", "bác lo cho hết". Như vội vàng chặn ngay mọi tài khoản liên lạc với "ông bác".
Cô thẳng thắn nêu quan điểm, bản thân có ăn có học, có nghề nghiệp, tự lo được bản thân, không cần lệ thuộc vào ai. Vậy nhưng quá trình đi làm, gặp nhiều lời đề nghị như vậy, cô rất băn khoăn và mất niềm tin vào đàn ông.
Họ, những người Như gặp, đều thuộc thành phần trí thức, rất thành đạt, có địa vị trong xã hội và đều có gia đình, vợ con đều huề... Nhưng phía sau đó, nhiều người thành thục chuyện gạ gẫm "đổi chác tình tiền" với những cô gái trẻ.
"Những người chồng có thể hết tình cảm với vợ, không nghĩ cho vợ thì họ còn là những người cha, có người cũng có con gái như tôi. Họ nghĩ sao khi con mình cũng có thể bị những người như họ gạ gẫm hoặc là những người vợ bị chồng đối xử như vậy?", Quỳnh Như đặt câu hỏi.
Cũng như hầu hết mọi người, Như không muốn mình có một cha vô trách nhiệm, không muốn gặp một người chồng buông thả và điều cô sợ nhất là con mình có một người cha như vậy mà sao số người như vậy giờ quá phổ biến. Đó cũng là lý do cô "ngán" khi nghĩ đến việc lập gia đình...
"Mình vui vẻ thôi, anh vẫn tốt với vợ con!"
Là giáo viên, cô H.T.P, dạy học ở TPHCM kể, cô từng gặp nhiều học trò có hoàn cảnh bố cặp bồ, ngoại tình... rất đau lòng. Cô cũng không lý giải nổi sao những người đàn ông đã là chồng, là bố lại có thể thiếu trách nhiệm, buông thả, dễ dàng cặp kè với người này người kia như vậy.
Đã qua tuổi 30, cô P. cho biết, tự nhận thấy mình là người không có nhan sắc, thấp, béo, cũng không quá trau chuốt hình thức vẻ ngoài, vậy mà cũng đã vài lần bị gạ gẫm làm "bồ nhí". Có người là phụ huynh của học sinh cũ, có người quen nhau qua học hành, công việc...
Trường hợp làm cô "sốc" nhất là chồng của một người chị cùng hoạt động trong nhóm đọc sách cho con. Gia đình anh chị là hình mẫu rất hạnh phúc, họ có 3 người con, cả trai cả gái, thường xuyên cùng nhau tham gia các hoạt động thiện nguyện. Anh chồng là doanh nhân thành đạt, quan tâm đến các chương trình xã hội.
Sau nhiều lần tham gia hoạt động cùng nhau, người chồng, người cha mẫu mực đó nói với cô P. "để anh lo cho em", "chúng mình vui vẻ thôi", rồi còn tỏ ra đạo đức "anh vẫn tốt với vợ con, không để họ thiếu thốn gì"... Sau đó, cô P. đã "block" người này khỏi mọi mối quan hệ cũng như các hoạt động của mình.
Cô P. nhận ra, nhiều người đàn ông không chỉ săn "con gái nuôi" trên mạng, không chỉ nhằm vào những cô gái xinh tươi, trẻ đẹp xa lạ... mà hành động đó còn diễn ra ngay trong các mối quan hệ công việc, xã hội hàng ngày. Vấn nạn bồ bịch, ngoại tình, theo đánh giá của cô giáo P. là thực sự nhức nhối.
Mối quan hệ đổi chác "đại gia - gái bao" nổi lên như một trào lưu nhiều năm gần đây. Các cô gái trẻ vì tiền, vì chỗ ở, những chuyến du lịch sang chảnh, hay những món đồ hiệu... sẵn sàng đạp lên nhân cách, phá hoại gia đình người khác.
Nhưng đáng sợ hơn trong mối quan hệ này chính là các "sugar daddy". Họ là những người chồng, người cha bất chấp tất cả chà đạp lên hạnh phúc gia đình mình, thậm chí cả hạnh phúc tương lai của con cái mình.
Một chuyên gia tâm lý tại TPHCM nhấn mạnh, việc xây dựng hạnh phúc gia đình - tế bào của xã hội phải thật sự quan tâm đến chuyện giáo dục các bé trai. Đó là giáo dục cho phái nam về trách nhiệm với gia đình, với xã hội, đặc biệt là trách nhiệm trong mối tương quan với phái nữ như mẹ, vợ, con gái, đồng nghiệp nữ... Điều đó, hiện tại mỗi người vẫn xem nhẹ, thả nổi, do tư tưởng trọng nam khinh nữ, đàn ông phải có "tứ đổ tường" (4 thói quen xấu của đàn ông, là Tửu, Sắc, Tài, Khí - PV)...
Theo Dân trí