Thông tin được đưa ra tại Hội thảo Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu tổ chức sáng nay, ngày 4/5.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung vào trao đổi về thị trường nhân lực bán dẫn, chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn của các công ty và trường đại học lớn.

W-bo-truong-bo-tttt-nguyen-manh-hung-3-1.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, cho rằng, bán dẫn đang thay đổi và định hình thế giới. Nó đã, đang và sẽ có mặt trong mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng lớn đến an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng. Điều này sẽ còn kéo dài, ít nhất tới giữa thế kỷ 21. Theo ông Hùng, Việt Nam có lợi thế và đang ở trung tâm toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

“Việt Nam là một nước ổn định chính trị, nằm trong nhóm các nước có tốc độ phát triển nhanh. Đảng và Nhà nước đặt ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn và có chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Người Việt Nam có gen về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - rất hợp với ngành công nghiệp bán dẫn. Lợi thế về gen cũng không kém gì lợi thế về địa chính trị và đây là một lợi thế độc đáo, không thể coppy”, ông Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ TT&TT phân tích, thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng đa dạng hóa nguồn cung, không chỉ về sản xuất mà ở tất cả các khâu của ngành công nghiệp bán dẫn, vì vậy, đang thiếu hụt nhân lực ngành này. 

“Việt Nam là nước đứng thứ hai toàn cầu về trữ lượng đất hiếm trong công nghiệp bán dẫn. Trong khi đất hiếm, hóa chất là đầu vào không thể thiếu của ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cũng đã 20 năm tham gia công nghiệp bán dẫn, đã tạo được nền tảng ban đầu về đào tạo nhân lực, thiết kế, đóng gói và kiểm thử”, ông Hùng nói về triển vọng.

Cũng theo người đứng đầu ngành TT&TT, nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn bao gồm nhân lực cho các công đoạn của ngành công nghiệp này, không chỉ riêng thiết kế chip.

daihoc.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham quan cơ sở đào tạo nhân lực bán dẫn của Đại học Phenikaa. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Phenikaa, cho hay, bối cảnh thế giới hiện nay là cơ hội đặc biệt cho Việt Nam để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, bắt đầu từ việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về bán dẫn. 

Chính vì vậy, Trường ĐH Phenikaa đã quyết định đưa chuyên ngành thiết kế vi mạch vào chương trình đào tạo từ năm 2024-2025, với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn theo chiều rộng và chiều sâu.

“Trước hết, nguồn nhân lực này dành cho thị trường Việt Nam, đồng thời gửi sang các nước thuộc Chip 4 (Mỹ, Nhật, Hàn quốc, Đài Loan (Trung Quốc)) để làm việc nâng cao chuyên môn và quay trở lại Việt Nam khi có nhu cầu của các nhà đầu tư FDI hoặc trong nước”, ông Năng nói. 

W-pho-thu-tuong-tran-hong-ha-1-2.jpg
 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: Lê Anh Dũng

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay, một đất nước phát triển phải là đất nước có nền công nghiệp hiện đại và điều đó chỉ có khi sở hữu một ngành công nghiệp điện tử hiện đại. Đứng sau làm động lực cho ngành công nghiệp điện tử chính là ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Phó Thủ tướng, công nghiệp vi mạch bán dẫn chính là ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng, nền tảng định hình sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế toàn cầu.

Từ các hệ thống dân dụng như hệ thống năng lượng, giao thông, điện toán hay các tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (BigData), viễn thông 5G, siêu máy tính, tự động hóa đến các hệ thống quốc phòng, an ninh… đều dựa vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ, để sẵn sàng nguồn nhân lực trong ngắn hạn, đề án phát triển nguồn nhân lực đã xác định kế hoạch đào tạo, chuyển đổi cử nhân, kỹ sư từ các ngành nghề gần như điện tử, vật liệu, vật lý, hóa chất, lập trình… song cũng cần phải có những tính toán, đánh giá.

““Chúng ta cũng đã có những bài học đắt giá khi một ngành nào đó do nhu cầu phát triển mà trong một thời gian rất ngắn đòi hỏi nhưng chỉ là một giai đoạn ngắn nhất định và sau đó không cần nữa. Như vậy, sự đào tạo của chúng ta không hiệu quả. Do đó, đối với vấn đề đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn, chúng ta cũng phải tính toán đến và dự báo, chứ không phải cứ thế đào tạo”, ông Hà lưu ý.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc đào tạo cần dựa trên dự báo, tín hiệu của thị trường để thực sự đáp ứng nhu cầu.

Ông Trần Hồng Hà cho rằng, muốn đào tạo hàng chục nghìn lao động chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn, trước hết phải ưu tiên đào tạo, thu hút đội ngũ giảng viên chất lượng cao, có kinh nghiệm chuyên sâu trong ngành để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực. “Đặc biệt về chính sách thu hút nhân tài, không phải chỉ là lương, tôi cho rằng đó là không gian, điều kiện có thể để họ tham gia vào quá trình cống hiến… Không thể trả bằng chi phí, chúng ta phải đối xử với họ như những công dân mẫu mực, đáng tôn vinh của Việt Nam, có những chính sách về đất đai và các chính sách khác…”, ông Hà nói.

Với các trường đại học, Phó Thủ tướng khuyến khích tham gia vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn với cách tiếp cận theo hệ sinh thái gồm đào tạo, nghiên cứu khoa học, gắn với doanh nghiệp và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp.

“Khi nhà trường và các doanh nghiệp chủ động đến với nhau, các sản phẩm từ đào tạo và nghiên cứu mới có thể đáp ứng đúng, sát với yêu cầu của ngành công nghiệp”. 

Bộ TT&TT đang phát triển Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Một trong những bước đi quan trọng là xây dựng Việt Nam thành hub toàn cầu về nhân lực bán dẫn, bao gồm cả gia công, xuất khẩu lao động cho các công đoạn, không chỉ riêng thiết kế chip. Đây sẽ là “thỏi nam châm” thu hút nhằm phát triển ngành bán dẫn Việt Nam. 

Ngoài việc đào tạo dài hạn, đào tạo STEM từ phổ thông, Việt Nam sẽ chú trọng việc đào tạo nhanh, ngắn hạn thông qua các chương trình đào tạo lại và đào tạo chuyển tiếp các kỹ sư CNTT, kỹ sư phần mềm, kỹ sư điện tử. 

Khoảng từ 600.000 đến 700.000 kỹ sư nếu được đào tạo 6-12 tháng có thể sẵn sàng cho công nghiệp bán dẫn, để làm được việc này, cần tới đội ngũ giáo viên, người hướng dẫn, cơ sở vật chất, giáo trình.

Chuẩn bị nhân lực phải dựa trên dự báo, tầm nhìn dài hạn và nhu cầu của thị trường. Để đảm bảo thành công, việc đào tạo cần phải có đầu ra, trong đó cần chú ý đến thu nhập. Lương của người làm bán dẫn phải cao hơn lương của người làm CNTT.

Lời giải cho bài toán nhân lực chính là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bán dẫn và trường đại học, cùng sự đầu tư cơ sở vật chất của Nhà nước cho các cơ sở đào tạo. Việc đào tạo lại giáo viên, thu hút giáo viên bán dẫn nước ngoài có thể là ưu tiên cao nhất lúc này.

Để phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: "Cần một cách tiếp cận độc đáo, một khát vọng lớn, một quyết tâm rất cao và sự bền bỉ".