Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai Đề án chuyển đổi số ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp năm 2024.
Đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch chuyển đổi số và phân công cán bộ, giáo viên làm đầu mối theo dõi, phụ trách triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Giáo viên TP Sa Đéc tham dự tập huấn trực tuyến về chuyên môn kết nối với điểm cầu Sở Giáo dục và Đào tạo.
Sở GD&ĐT đã triển khai dạy học với mô hình giáo dục STEM đến 100% các đơn vị trường từ cấp Tiểu học đến cấp THPT theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, các hội thi về giáo dục STEM. Các cơ sở giáo dục đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đạt gần 80%.
Ngoài ra, trong toàn ngành GD&ĐT thực hiện mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt trên 70%. 100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng dưới dạng văn bản điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan, các cơ sở giáo dục trực thuộc được thực hiện trên nền tảng quản trị số (hệ thống iDesk).
Theo Sở GD&ĐT, hơn 11.000 cán bộ quản lý và giáo viên được trang bị chữ ký số, phòng chuyên môn trực thuộc Sở đã hướng dẫn các trường thực hiện số hóa các hồ sơ sổ sách chuyên môn.
Từ năm học 2023 - 2024, toàn ngành GD&ĐT triển khai nhân rộng hồ sơ số, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử; xây dựng kho học liệu số, bài giảng điện tử dùng chung. Giáo viên các đơn vị trường có thể ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng thành thạo phần mềm để hỗ trợ dạy và học.
Đảm bảo cơ sở hạ tầng phục vụ công tác chuyển đổi số, Sở GD&ĐT, các sở, ngành, UBND, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố quan tâm đầu tư, trang thiết bị kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin; cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn, đào tạo cơ bản, nâng cao trình độ, tiếp cận nhanh với các ứng dụng công nghệ thông tin; nghiên cứu và vận dụng trong dạy học.
Tại TP Hồng Ngự, Phòng GD&ĐT thành phố đã triển khai mô hình hệ thống quản lý trường học, kết quả có 26/26 trường học thực hiện mô hình (đạt 100%). Mô hình giúp cán bộ quản lý, giáo viên nâng cao chất lượng công việc chuyên môn và đảm bảo kết quả học tập của học sinh; phụ huynh học sinh tra cứu kết quả học tập dễ dàng.
Đến nay, 100% đơn vị trường trong toàn tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, quản trị nhà trường; sử dụng các phần mềm quản lý nhà trường để quản lý, số hóa thông tin về trường, lớp, học sinh, đội ngũ, cơ sở vật chất. Hơn 80% đơn vị trường học thực hiện số hóa và quản lý hồ sơ điện tử của học sinh, sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Sở GD&ĐT không chỉ hướng dẫn các đơn vị trường triển khai, thực hiện kế hoạch mà còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đề nghị các Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trường tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động, khuyến khích phụ huynh học sinh hưởng ứng các hoạt động gắn với công tác chuyển đổi số như: đăng ký sử dụng Sổ liên lạc điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt...
Tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, toàn ngành GD&ĐT triển khai mở rộng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, kết nối với các cơ sở dữ liệu Quốc gia nhằm nâng cao tiện ích và hiệu quả cho công tác quản lý giáo dục.
Đồng thời duy trì, khai thác sử dụng tối đa lợi ích của phần mềm quản lý học tập (LMS) trong hoạt động dạy học trực tuyến để trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học.
Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ nhà giáo; ưu tiên bồi dưỡng các nội dung gắn với thực tế công việc như: ứng dụng các phần mềm dạy học, xây dựng học liệu số, bài giảng điện tử, kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động dạy học.
Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố rà soát, đầu tư mới, mua sắm bổ sung máy tính đáp ứng yêu cầu dạy môn Tin học; phát động phong trào và tổ chức hội thi xây dựng thiết bị dạy học số cấp trường, cấp tỉnh phục vụ học liệu số và dạy học trực tuyến.
Các đơn vị trường thường xuyên nâng cấp, quản lý, vận hành, cập nhật kịp thời đầy đủ, chính xác các văn bản, tin, bài của các đơn vị trường trên hệ thống website của ngành theo đúng quy định; tăng cường công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, kỹ năng sử dụng thiết bị số và tham gia môi trường số an toàn.
Theo H.An (Báo Đồng Tháp)