Đưa KHCN, ĐMST thành động lực chính phát triển kinh tế đất nước
Chiều ngày 1/4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đến thăm và làm việc với Bộ KH&CN. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì buổi làm việc.

Buổi làm việc đầu tiên của lãnh đạo Chính phủ với Bộ KH&CN mới còn có sự tham dự của các đại diện một số bộ, ban, ngành và các viện; các Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long, Lê Xuân Định, Hoàng Minh, Bùi Hoàng Phương; cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ KH&CN.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) với sự phát triển đất nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho hay, ngay từ Nghị quyết Đại hội 13, Đảng đã xác định KHCN, ĐMST là động lực đột phá chiến lược. “Vai trò của KHCN, ĐMST rất quan trọng, chúng ta đã xác định từ nhiều nhiệm kỳ và hiện nay là khẳng định và tiếp tục làm, với một tinh thần cải cách mạnh mẽ hơn. Đó là tinh thần của Nghị quyết 57”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng chỉ rõ: Là lực lượng chủ lực, nòng cốt thực hiện Nghị quyết 57, Bộ KH&CN cần thay đổi ngay nhận thức và cách làm, vượt qua những giới hạn hiện nay của pháp luật, tư duy, tầm nhìn để thực hiện được các nhiệm vụ của Nghị quyết quan trọng này. Có như vậy, mới đưa KHCN, ĐMST thực sự thành động lực chính cho phát triển kinh tế, tăng tốc để kinh tế đất nước tăng trưởng 2 con số.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết: “Bộ KH&CN nhận nhiệm vụ với Chính phủ là nếu đất nước tăng trưởng 10% thì ngành KH&CN chịu trách nhiệm thúc đẩy ít nhất 5% tăng trưởng, tức là chiếm trên 50% mục tiêu tăng trưởng của đất nước”.
Người đứng đầu ngành KH&CN cũng báo cáo với Phó Thủ tướng: Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ đang làm việc ngày đêm để triển khai nhiều nhiệm vụ với tốc độ rất nhanh; đồng thời, Bộ cũng đã ứng dụng công nghệ vào việc theo dõi, đôn đốc triển khai các công việc.
Cách làm mới theo tinh thần Nghị quyết 57
Buổi làm việc vào chiều ngày 1/4 cũng là lần đầu tiên Bộ KH&CN báo cáo lãnh đạo Chính phủ theo cách làm mới. Dưới sự điều hành, dẫn dắt của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về cách thức triển khai, kết quả cần đạt của những nhiệm vụ lớn, có thể ra ngay kết quả trong năm 2025 được giao cho các đơn vị thuộc Bộ trong 11 lĩnh vực.
Hơn 20 nhiệm vụ lớn được phân công cho các đơn vị lớn của Bộ KH&CN chủ trì triển khai là những nhiệm vụ sẽ có đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước, đó là: Xây dựng hạ tầng tính toán AI dùng chung; tăng gấp đôi tốc độ truy nhập Internet di động; mỗi cán bộ, công chức có một trợ lý ảo hỗ trợ công việc; xây dựng hạ tầng KHCN dùng chung; giải quyết các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tồn đọng từ 2024 về trước...

Với từng nhiệm vụ, đại diện lãnh đạo Bộ đều thông tin rõ nội hàm, kết quả cùng thời hạn cần hoàn thành; ngoài đề xuất những điều kiện, sự hỗ trợ từ lãnh đạo Bộ và Chính phủ, người đứng đầu đơn vị chủ trì nhiệm vụ cũng cam kết thực hiện công việc đảm bảo tiến độ, yêu cầu.
Đơn cử, ở lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia, nhiệm vụ xây dựng chương trình chuyển đổi AI quốc gia được giao cho Cục Chuyển đổi số quốc gia, với nội hàm chính là chuyển đổi AI trong mọi lĩnh vực và toàn xã hội. Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhận xét đây là một nhiệm vụ quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, cũng như Chương trình chuyển đổi số được ban hành cách đây 5 năm, “toàn dân, toàn diện” phải là nội dung quan trọng của Chương trình chuyển đổi AI quốc gia; và trong chương trình này, ứng dụng nổi bật thể hiện tinh thần toàn dân toàn diện là mỗi người dân Việt Nam có 1 trợ lý ảo Việt Nam. Thời hạn trình Thủ tướng ban hành Chương trình là trong tháng 5/2025 và đến tháng 11/2025 sẽ phải có trợ lý ảo dành cho người dân.
Hay trong lĩnh vực kinh tế số, một nhiệm vụ quan trọng được giao Vụ Kinh tế và Xã hội số chủ trì là xây dựng Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, hợp tác xã. Lãnh đạo Vụ Kinh tế và Xã hội số cam kết sẽ hoàn thành nhiệm vụ này trong tháng 4/2025.

Với nhiệm vụ này, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần phải đặt mục tiêu cụ thể trong phổ cập chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp như số lượng doanh nghiệp được tiếp cận, hưởng lợi, hỗ trợ, tư vấn. Nếu tập trung làm nhanh và làm tốt, chương trình sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, từ đó mang lại hiệu quả cho nền kinh tế,
Phó Thủ tướng cũng gợi ý việc sử dụng các nền tảng số để hỗ trợ các hộ kinh doanh trong quản trị tài chính, nhân sự, thuế khoán…, khuyến khích họ chuyển lên doanh nghiệp. Cách làm này đi từ nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế, kết hợp với yếu tố công nghệ để phục vụ sản xuất, góp phần đưa đất nước đi lên.
Chỉ rõ yêu cầu từ nay tất cả lĩnh vực của Bộ KH&CN phải đo được đầu ra để chuyển từ quản lý đầu vào sang quản lý đầu ra, người đứng đầu ngành KH&CN cũng chỉ đạo Cục Thông tin, Thống kê sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS, với thời hạn trình Bộ trưởng là ngày 7/4, sau đó lấy ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng vào ngày 21/4.
Đánh giá cao việc Bộ KH&CN đổi mới cách làm theo tinh thần Nghị quyết 57, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhận xét: “Hôm nay, chúng ta đã tập trung bàn những vấn đề rất sát sườn, mang tính chiến lược cốt lõi và có thể làm được ngay của Bộ, ngành”.
Những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung
Trên cơ sở chỉ ra 6 tồn tại, hạn chế cùng 5 xu hướng của KHCN, ĐMST toàn cầu, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu Bộ KH&CN thời gian tới tập trung vào một số nhiệm vụ, công việc chính, đó là:
Sớm kiện toàn bộ máy của Bộ KH&CN, coi việc sắp xếp tinh gọn bộ máy là một cơ hội để tái cấu trúc và sàng lọc nhân sự cho phù hợp, với mục tiêu là để Bộ đảm đương được các nhiệm vụ hết sức nặng nề phải gánh vác; đồng thời đảm bảo kế thừa các thành quả đã đạt được, duy trì liên tục, không bị đứt gãy trong xử lý công việc.
Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện quyết liệt các chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193 của Quốc hội, Nghị quyết 03 của Chính phủ; coi đây là kim chỉ nam để cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động, dự án cụ thể, với lộ trình khả thi cùng phân công trách nhiệm rõ ràng.
“Chúng ta phải nâng cao nhận thức, tạo một xung lực mới trong toàn xã hội về vai trò của KHCN, ĐMST và CĐS, đặt người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nhà khoa học làm nhân tố then chốt, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và thúc đẩy”, Phó Thủ tướng nêu yêu cầu.
Bộ KH&CN cũng được chỉ đạo phải đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ, thống nhất, xóa bỏ các tư tưởng, quan điểm cản trở sự phát triển; quyết tâm loại bỏ tư duy không quản được thì cấm, đưa thể chế thành một lợi thế trong cạnh tranh trong quá trình phát triển lĩnh vực.
Đặc biệt, cần tập trung vào xây dựng 5 luật sẽ trình Quốc hội trong năm nay; sửa đổi 14 luật liên quan để thể chế hóa Nghị quyết 57; hoàn thiện thể chế về phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia; nghiên cứu xây dựng cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy lĩnh vực sở hữu trí tuệ...
Cùng với đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&CN đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và công nghệ chiến lược; tập trung nghiên cứu khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là cho các công nghệ chiến lược; thúc đẩy ĐMST, CĐS trong doanh nghiệp; khai thác tối đa hợp tác quốc tế; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các nền tảng số.

Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Tinh thần của Bộ KH&CN là sẵn sàng nhận các nhiệm vụ thách thức cao, mục tiêu cao, và hướng vào kết quả cuối cùng; để từ đây tìm ra các cách tiếp cận mới, đột phá và cũng qua đó nâng cao năng lực cán bộ, xuất hiện những người tài cho đất nước.
“Những định hướng, nhận thức mới và các nhiệm vụ mà Phó Thủ tướng đã giao, Bộ KH&CN sẽ triển khai thành các công việc cụ thể, có kết quả ngay trong năm 2025. Những việc đã nói, đã hứa cũng sẽ được lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị của Bộ tập trung làm và làm xong”, Bộ trưởng cam kết.
