Kết thúc phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 - lĩnh vực TT&TT ngày 4/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định, lĩnh vực TT&TT có vai trò rất quan trọng trong đời sống. CNTT đã góp phần cải cách hành chính, cải cách thế chế, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống, minh bạch hóa thông tin, thực hiện công bằng xã hội. 

“Sự phát triển vượt bậc của CNTT và ứng dụng phát triển mạng xã hội, các dịch vụ truyền thông trên Internet đã có tác động rất lớn đến đời sống của người dân và toàn xã hội. Diễn biến phiên chất vấn đã cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm của ĐBQH đối với lĩnh vực này”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nắm chắc vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, trả lời đầy đủ, thẳng thắn với tinh thần cầu thị. (Ảnh Quốc hội cung cấp) 

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm. Các ĐBQH đặt câu hỏi cụ thể, ngắn gọn, đúng nội dung. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng có kinh nghiệm trong công tác quản lý ngành, lĩnh vực và đã từng trả lời chất vấn Quốc hội. Bộ trưởng nắm chắc vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, trả lời đầy đủ, thẳng thắn với tinh thần cầu thị, đề xuất các giải pháp và phương án xử lý cụ thể.

Qua báo cáo của Bộ TT&TT và phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, lĩnh vực TT&TT có nhiều kết quả đáng khích lệ, đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, trình Chính phủ dự án Luật Giao dịch điện tử, cơ bản hoàn thiện khung pháp lý cho việc xây dựng Chính phủ điện tử, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tiếp cận thông tin, cơ sở hạ tầng viễn thông. 

Chỉ số dịch vụ trực tuyến của Việt Nam xếp hạng 76/193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Từng bước quản lý hiệu quả kho số, SIM thuê bao di động; ngăn chặn và gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực TT&TT vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

“Qua phiên chất vấn lần này, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT&TT, các bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra để khắc phục những tồn tại, hạn chế”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các ĐBQH tại phiên họp ngày 4/11. (Ảnh Quốc hội cung cấp) 

Ngay trước đó, sau khi hoàn thành phần trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định các câu hỏi đa dạng, trách nhiệm của các đại biểu đã mở ra nhiều cách tiếp cận mới giúp cho ngành TT&TT phát triển.

Người đứng đầu ngành TT&TT cũng chia sẻ một số quan điểm quản lý của ngành. Đó là, ngành nào quản lý cái gì trong thế giới thực thì lên không gian mạng sẽ quản lý cái đó. Dữ liệu cá nhân là tài sản quan trọng của cá nhân, mỗi người phải biết tự bảo vệ.

Nền tảng số Việt Nam là lời giải căn bản cho chuyển đổi số Việt Nam. Hỗ trợ bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi có sóng có thiết bị để tiếp cận thông tin. Đại học số là lời giải cho nhân lực số Việt Nam.

Cùng với đó, muốn phát triển không gian mạng lành mạnh, an toàn, phải vừa hoàn thiện thể chế vừa xây dựng văn hóa số. Chuyển đổi số là phương thức phát triển mới, hạ tầng số cũng quan trọng như các hạ tầng khác, do đó các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện xây dựng hạ tầng số rộng khắp và hiện đại. “Cuối cùng, năm 2023 sẽ là năm dữ liệu số, tập trung giải quyết các vấn đề dữ liệu số, nâng cao nhận thức”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Vân Anh