Ngay từ đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã nêu rõ thông điệp đến toàn ngành, đó là: “Năm 2023 là năm thực hiện mục tiêu chuẩn hóa, thực hiện tư duy kiến tạo và khởi tạo trong nông nghiệp (NN); hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp”. Với nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Sở NN&PTNT đã nỗ lực triển khai các giải pháp thực hiện.
Quét mã QR trên trái sầu riêng tại Trang trại sầu riêng Mahalap, Thái Lan. Ảnh: CTV
Tuyên truyền nâng cao nhận thức
Quán triệt định hướng đó, ngành Nông nghiệp tỉnh chú trọng và tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chất lượng của nguồn nhân lực, xem việc thay đổi tư duy của nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu, cần làm ngay và làm thường xuyên để quá trình chuyển đổi số (CĐS) toàn ngành được quán triệt và thực hiện có bài bản, căn cơ, đồng bộ.
Ngay sau khi ban hành Kế hoạch CĐS năm 2023, Sở NN&PTNT đã triển khai ngay các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức CĐS cho toàn thể công chức, viên chức ngành. Phối hợp với các đơn vị trong lĩnh vực công nghệ thông tin và CĐS như: VNPT Bến Tre, Công ty CP RYNAN Technologies Vietnam, Viettel Bến Tre, Mobifone để giới thiệu và chia sẻ các giải pháp, công nghệ về nền tảng cơ sở dữ liệu và nền tảng truy xuất nguồn gốc về lĩnh vực NN.
Đặc biệt, hội nghị đối thoại cán bộ, công chức, viên chức trẻ đề xuất giải pháp phát triển NN bền vững theo hướng CĐS toàn diện năm 2023 đã ghi nhận được nhiều ý kiến góp ý thiết thực, cụ thể. Hiện, sở cũng đã ra mắt Fanpage “Nông nghiệp Bến Tre”, triển khai kế hoạch củng cố hoạt động website Sở NN&PTNT, ra mắt “Không gian tri thức xanh” tại trụ sở làm việc để tăng cường thông tin tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân quan tâm, hưởng ứng và ủng hộ các chương trình, hoạt động của ngành NN. Qua đó tạo sự kết nối, lan tỏa mạnh mẽ kết quả, hình ảnh hoạt động của ngành NN trong toàn hệ thống.
Tháng 7/2023, Sở NN&PTNT phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức đoàn công tác tham quan, học tập kinh nghiệm tại Trang trại sầu riêng Mahalap, Thái Lan. Chuyến đi đã để lại nhiều bài học có giá trị đối với cán bộ quản lý, kỹ thuật và nông dân trong việc ứng dụng công nghệ số từ khâu chăm sóc, sản xuất đến đóng gói tiêu thụ sản phẩm trái sầu riêng. Nhất là đoàn đã tham quan được quy trình đóng gói sản phẩm với đầy đủ nhãn dán, thông tin, nguồn gốc, hướng dẫn sử dụng bằng mã QR Code trên từng trái sầu riêng.
Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh cho biết: “Qua tuyên truyền, bồi dưỡng có thể thấy được vai trò quan trọng của nguồn nhân lực trong CĐS ngành NN. Trong đó, các cán bộ, công chức, viên chức trẻ là nhân tố chủ chốt để thực hiện các nhiệm vụ.
Hiện có thể nói năng lực về công nghệ số của lực lượng công chức, viên chức của ngành vẫn còn hạn chế, trình độ chưa đồng đều nên cần được bồi dưỡng thường xuyên.
Cán bộ, công chức, viên chức trẻ của ngành cần có sự chủ động, trách nhiệm, nắm bắt xu hướng, học tập, nghiên cứu các nền tảng công nghệ mới, đa dạng sản phẩm có ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong sản xuất NN, tạo động lực mới cho NN, nông thôn phát triển hiệu quả, bền vững”.
Công tác quản lý, điều hành
Một số kết quả đạt được của ngành thời gian qua như: Thực hiện trên 95% trao đổi văn bản giữa các cơ quan nhà nước (trừ các văn bản mật theo quy định của pháp luật) được thực hiện hoàn toàn dưới dạng điện tử. Các hồ sơ công việc, tài liệu cuộc họp được xử lý trên môi trường mạng. 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan được thực hiện trên môi trường mạng.
Về triển khai dịch vụ công lĩnh vực NN, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn tỉnh là 23 TTHC, DVCTT một phần là 10 TTHC. Sở NN&PTNT đã triển khai thực hiện số hóa hồ sơ TTHC trong tiếp nhận trực tiếp tại bộ phận một cửa cấp tỉnh kể từ ngày 3/4/2023. Đến nay, tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận (cả trực tiếp và trực tuyến) đối với DVCTT toàn tỉnh và DVCTT một phần là 1.352 hồ sơ.
Sở phối hợp với Bưu điện tỉnh, Viettel Bến Tre cùng các địa phương hướng dẫn, đào tạo các hộ sản xuất NN, hộ sản xuất, kinh doanh và các hợp tác xã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart và Voso. Kết quả, có 4.541 sản phẩm nông sản lên sàn, 153.482 lượt nông dân sản xuất NN tham gia đưa sản phẩm lên sàn TMĐT.
Đặc biệt, 100% sản phẩm OCOP được xúc tiến quảng bá thương hiệu nền tảng TMĐT. Trên 15% các sản phẩm chủ lực của các xã nông thôn mới nâng cao được kinh doanh qua các kênh TMĐT. Cán bộ kỹ thuật cũng tư vấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ cho nông dân với hình thức đẩy mạnh thông tin truyền thông qua ứng dụng Zalo tư vấn dịch vụ theo từng lĩnh vực: thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt...
Nhìn chung, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình sản xuất giúp người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác triển khai hiệu quả hơn chuỗi giá trị, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số, tự động hóa sản xuất và tiếp cận thị trường, gia tăng thu nhập.
“Tuy nhiên, khó khăn lớn có thể thấy là người nông dân vẫn còn thiếu về thiết bị số, cụ thể là điện thoại thông minh. Ngành NN dự kiến sẽ có giải pháp để phối hợp với Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã để vận động nông dân sử dụng điện thoại thông minh cũng như kết nối các đơn vị để hỗ trợ cung cấp điện thoại thông minh cho nông dân.
Đồng thời, ngành cũng sẽ đẩy mạnh vận động các cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thú y ứng dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, cũng chính là chuyển đổi tư duy, hành động, thói quen của nông dân theo hướng số”, Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh cho biết.
Phát triển nền tảng dữ liệu số nông nghiệp
Phát triển nền tảng dữ liệu số NN và nền tảng truy xuất nguồn gốc, hiện tổng số phần mềm/cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành NN&PTNT đang sử dụng là 23 phần mềm/CSDL. Trong đó, các phần mềm/CSDL do các đơn vị thuộc Trung ương triển khai là 16 phần mềm/CSDL và 7 phần mềm/CSDL khác trên các lĩnh vực.
Sở NN&PTNT đã được đầu tư lắp đặt 14 trạm quan trắc tự động thông minh đo từ 9 - 14 thông số môi trường nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Ba Tri và Thạnh Phú. Tất cả các dữ liệu quan trắc được chia sẻ cho các đơn vị, nông dân trên địa bàn huyện để tiếp cận theo dõi, chủ động trong công tác phòng ngừa, dự báo trong sản xuất.
Từ nay đến cuối năm, ngành NN sẽ tiếp tục triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu số, nền tảng truy xuất nguồn gốc; ưu tiên lựa chọn một số phần mềm/CSDL để xây dựng như: phần mềm quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản, dự kiến hoàn thành ngày 30-9-2023, phần mềm quản lý CSDL chăn nuôi thú y, dự kiến hoàn thành ngày 30-12-2023.
Sở cũng đã phối hợp với đơn vị cung cấp giải pháp xây dựng nền tảng, bước đầu cập nhật thông tin và vận hành thử nghiệm, đang xây dựng và hoàn thiện kế hoạch chi tiết trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt thực hiện theo các quy định về quản lý tài chính đối với các phân hệ phần mềm quản lý, sử dụng và tạo lập dữ liệu, bản đồ chuyên ngành NN, bản đồ thổ nhưỡng quản lý vùng canh tác (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp), phần mềm quản lý dữ liệu, ứng dụng nuôi trồng thủy sản, trạm giám sát sâu rầy thông minh...
Theo Thanh Đồng (Báo Đồng Khởi)