Ngày 11/8, tại TP.HCM, Bộ TT&TT đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí khu vực phía Nam, nhằm tri ân các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí cán bộ lãnh đạo qua các thời kỳ hiện đã nghỉ chế độ và đang sinh sống trên địa bàn TP.HCM cùng các tỉnh lân cận. Buổi gặp mặt cũng là để cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông.
Thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã chúc mừng đại thọ 100 tuổi đồng chí Trương Kim Vàng, cùng các cán bộ hưu trí khác được ban tổ chức chúc thọ tại buổi gặp mặt. Đồng thời, thay mặt hơn 1,5 triệu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành TT&TT trên khắp mọi miền, Thứ trưởng Phạm Đức Long trân trọng tri ân đến các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí cán bộ lãnh đạo hưu trí ngành TT&TT qua các thời kỳ có mặt tại hội trường, cũng như trên cả nước.
Đại diện cho các cán bộ hưu trí, ông Lê Ngọc Trác, nguyên Giám đốc Bưu điện TP.HCM (giai đoạn 1993-2004), đã gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo Bộ TT&TT, lãnh đạo VNPT TP.HCM, VNPost cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này.
Theo ông Lê Ngọc Trác, ngành TT&TT có truyền thống đầy tự hào với 10 chữ vàng: “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình”. Trong đó đặc biệt là “Nghĩa tình” hết sức đáng sống, từ nghĩa tình đồng đội đến tình cảm qua các thế hệ vẫn được giữ vững tạo nên truyền thống của ngành.
Đồng thời, các cán bộ hưu trí trong thời gian qua vẫn quan tâm đến sự phát triển của ngành TT&TT, trong đó gần đây là chuyển đổi số. Ông Lê Ngọc Trác cho biết, chuyển đổi số là rất quan trọng và cũng là cơ hội tạo sự đột phá. Các cán bộ hưu trí kỳ vọng ngành TT&TT có thể tạo ra cuộc cách mạng, ghi dấu ấn lịch sử, bằng cách tạo sự đột phá trong chuyển đổi số.
Đáp lời các cán bộ hưu trí, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, trước đây ngành TT&TT đã tiến hành cuộc cách mạng lần thứ nhất là số hoá và giờ đây ngành mong muốn tạo nên cuộc cách mạng lần thứ 2 chính là chuyển đổi số.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, hiện ngành TT&TT có 10 nhóm lĩnh vực và đều liên quan đến chuyển đổi số. Ở lĩnh vực Bưu chính, nếu trước đây chỉ là tem và thư, thì hiện nay là hạ tầng thương mại điện tử, hạ tầng cho nền kinh tế số. Doanh thu bưu chính hiện nay đã gần bằng một nửa của viễn thông và tốc độ tăng trưởng của ngành Bưu chính từ 20-40%, gấp 10 lần viễn thông, khi viễn thông chỉ kỳ vọng tăng trưởng 2-4%.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, ngành Bưu chính vô cùng quan trọng và đòi hỏi các doanh nghiệp như VNPost, Viettel Post phải chuyển đổi số nhanh thành công ty công nghệ, để bưu chính giữ được mạch máu về dòng chảy vật chất của đất nước.
Ở lĩnh vực viễn thông, theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, nếu trước đây là điện thoại, nhắn tin, sau này tiến tới dữ liệu và băng rộng. Đặc biệt hiện nay là dữ liệu, ngành Viễn thông trở thành nơi sản sinh, lưu trữ dữ liệu và muốn có kinh tế số, chuyển đổi số thì phải có dữ liệu. Bộ TT&TT cũng đề xuất Chính phủ năm 2023 là “Năm Dữ liệu số”. Hạ tầng viễn thông ngày nay là hạ tầng dữ liệu bao gồm hạ tầng băng rộng và các hạ tầng về điện toán đám mây.
Hiện tỷ lệ người sử dụng Internet Việt Nam đạt 78,6%, cao hơn bình quân thế giới 13%. Tỷ lệ phủ sóng di động đạt 99,7%, trong khi thế giới chỉ có 88%. Đây là những thành tựu mà ngành Viễn thông đạt được với sự góp sức của các doanh nghiệp lớn dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ TT&TT
Về chuyển đổi số, Bộ TT&TT với phương châm không để ai bỏ lại phía sau, tại các địa phương đã thành lập 74.521 tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ người dân, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa lên môi trường số với 348.629 thành viên. Đây là điều chưa từng có ở các nước trên thế giới, khi tổ công nghệ đến từng thôn và hỗ trợ đưa toàn bộ người dân lên môi trường số.
Theo Thứ trưởng, muốn chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số phải đảm bảo an ninh mạng. Hiện Việt Nam nằm trong top 25 về chỉ số an ninh mạng toàn cầu nhờ có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp trong ngành.
Đồng thời, ngành TT&TT trước đến nay là dịch vụ, giờ chuyển hướng thành công nghiệp. Gần đây, về phần cứng, Viettel đã sản xuất thiết bị 5G, VNPT làm thiết bị đầu cuối. Ngành công nghiệp phần mềm năm 2022 xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD và Bộ TT&TT đang chuyển hướng thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp công nghệ đi ra quốc tế.