Khắc phục sự cố cáp quang biển, đảm bảo Internet ổn định
Sáng 2/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước của Bộ TT&TT. Theo báo cáo của Văn phòng Bộ, trong tháng 2, thị trường bưu chính tăng trưởng nhẹ. Toàn thị trường ước đạt 176 triệu bưu gửi (tăng 8%), doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 4.358 tỷ đồng.
Ở lĩnh vực viễn thông, cả nước hiện có 21,78 triệu thuê bao băng rộng cố định. Lượng thuê bao băng rộng di động ước đạt 85,79 triệu. Số thuê bao di động sử dụng smartphone ước đạt 99,6 triệu.
Từ cuối năm 2022 đến nay, liên tục xảy ra sự cố đối với các tuyến cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế. Trước tình hình trên, Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông đẩy nhanh biện pháp khắc phục sự cố, bảo đảm kết nối Internet quốc tế thông suốt.
Dưới sự chỉ đạo của Cục Viễn thông, các nhà mạng đã đàm phán mua thêm dung lượng cáp quang trên đất liền kết nối đi quốc tế và chia sẻ dung lượng, hỗ trợ nhau vượt qua khủng hoảng. Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư phát triển thêm các tuyến cáp quang biển nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng Internet.
Theo đánh giá của các nhà mạng, việc nâng dung lượng kết nối đi quốc tế trên đất liền sẽ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ Internet, góp phần giải bài toán cáp quang biển gặp sự cố. Sau khi Bộ TT&TT vào cuộc, than phiền của người dùng về chất lượng dịch vụ Internet đã giảm nhiều.
Ở lĩnh vực chuyển đổi số, tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ hiện đạt 47,77%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ của các DVCTT toàn trình hiện đạt 48,74%, tăng 2,62% so với tháng trước.
Về công nghiệp ICT, doanh thu công nghiệp CNTT Việt Nam tháng 2/2023 ước đạt 239.992 tỷ đồng, tăng 10,43% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử ước đạt khoảng 8,2 tỷ USD.
Nhiều chủ trương thúc đẩy phát triển ngành TT&TT
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã quán triệt tới toàn thể lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ nhiều chủ trương, nhiệm vụ để đưa đất nước phát triển.
Theo đó, 2023 là năm đẩy mạnh chất lượng thể chế. Trong quá trình làm luật, cơ quan quản lý cần chú ý đến sự khả thi. Nếu luật không khả thi hoặc cản trở sự phát triển sẽ tạo ra tình trạng “nhờn luật”, hoặc dễ dẫn tới phát sinh mâu thuẫn. Về công tác thể chế, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng muốn người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cần phải chung tay vào cuộc. Những vấn đề lớn phải mang ra bàn với tập thể lãnh đạo trước để xác định được đường lối. Trong năm nay, Bộ TT&TT sẽ đẩy cao chất lượng trong các hoạt động, không chỉ riêng luật pháp mà ở cả hạ tầng số.
Bộ trưởng cho rằng, vừa qua, hạ tầng số Việt Nam đã bắt đầu bộc lộ sự kém ổn định, thiếu bền vững. 5 tuyến cáp quang biển đều bị gặp sự cố. Bên cạnh đó, vấn đề của hạ tầng số Việt Nam còn đến từ chất lượng mạng di động, chất lượng dịch vụ công trực tuyến, khả năng kết nối liên bộ của các dịch vụ công…
Bộ TT&TT xác định năm 2023 sẽ là Bộ làm mẫu về vấn đề dữ liệu. Bộ sẽ thực thi các chiến lược, bao gồm việc lập chương trình hành động, đưa quản lý, thực thi chiến lược vào thực tế, đo lường và công bố.
Đối với Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh yêu cầu cần tăng chỉ số xếp hạng. Bộ đặt mục tiêu trong năm nay 100% các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện phải lên toàn trình, 60% số hồ sơ phải được xử lý trực tuyến toàn trình. Với lĩnh vực viễn thông, phải xử lý triệt để SIM rác bằng cách xác minh, đối soát thông tin đăng ký thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu thông tin thuê bao sai sẽ yêu cầu bổ sung hoặc dừng hoạt động.
Năm 2023, Bộ TT&TT chính thức sử dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động, tạo trợ lý ảo ở mức chuyên gia cho cán bộ công chức. Đây cũng là năm vận hành các hệ thống giám sát online, giám sát chính mình và các đối tượng quản lý.
Tại Hội nghị giao ban, người đứng đầu ngành TT&TT cũng quán triệt nhiều mục tiêu chiến lược, trong đó có việc xây dựng nền tảng làm việc số, dùng công nghệ cao, công nghệ mới để giải bài toán nhỏ của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong năm 2023, khẩu hiệu hành động của Bộ TT&TT sẽ có nội hàm mới. “Làm gương” là thái độ mẫu mực của người lãnh đạo trong cử chỉ, hành động. “Kỷ cương” của nhân viên là làm đúng, làm đủ trách nhiệm. “Trọng tâm” là làm được cái chính để lĩnh vực của mình phát triển. “Bứt phá” là tìm ra cách làm khả thi để tạo sự phát triển đột phá.
Trọng Đạt