Tại Hội diễn văn hoá nghệ thuật với chủ đề “Hạnh phúc gia đình chống lao” kỷ niệm 65 năm thành lập Bệnh viện Phổi Trung ương, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện, cho biết, chúng ta vừa trải qua thảm họa y tế công cộng do đại dịch Covid-19 gây ra.
“Trong công cuộc chống dịch, dù khiêm tốn bao nhiêu, dù dưới góc nhìn nào, ngành y vẫn là bộ phận dấn thân, vẫn là trụ cột, chúng ta vẫn phải nói lời cảm ơn với ngành. Trong công cuộc đó có sự đóng góp quan trọng của Bệnh viện phổi Trung ương cũng như các bệnh viện chuyên ngành trên toàn quốc”, PGS.TS Nhung cho biết.
Bệnh viện Phổi Trung ương được thành lập theo quyết định ngày 24/6/1957 của Thủ tướng Chính phủ với tên gọi là Viện Chống Lao. Sự thành lập Bệnh viện gắn liền với tên tuổi của Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ y tế đầu tiên của Việt Nam.
Qua 65 năm xây dựng và phát triển các thế hệ, tập thể cán bộ, y bác sĩ bệnh viện đã nỗ lực để hoàn thành sứ mệnh thanh toán bệnh lao và chăm sóc, nâng cao sức khỏe phổi cho người dân. Từ một cơ sở khám chữa bệnh với diện tích hạn hẹp, cơ sở vật chất nghèo nàn... hiện bệnh viện đã khẳng định năng lực qua những thành tựu. Trong đó có xây dựng và phát triển mạng lưới phòng chống lao và bệnh phổi toàn quốc, thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng chống lao tiến tới chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam. Đây cũng trở thành mô hình điểm cho thực hiện Chiến lược chấm dứt bệnh lao của Tổ chức Y tế Thế giới.
PGS.TS Nguyễn Tuyết Nhung cũng khẳng định, trong chiến lược này, nhiều tập thể gia đình đã gia nhập “gia đình chống lao”. Cụ thể, tại Bệnh viện Phổi Trung ương, có 45 gia đình cả 2 vợ chồng cùng làm việc tại bệnh viện. Hàng trăm gia đình từ 2, 3 thế hệ, thế hệ trước truyền lửa cho thế hệ sau, cống hiến cho sự nghiệp chấm dứt bệnh lao.
“Bệnh lao có từ lâu nhưng sự kỳ thị vẫn rất lớn. Chúng ta đặt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào 2030, để tránh cái chết của hàng chục ngàn người mỗi năm”, ông Nhung nói thêm.
Về tên Hội diễn “Hạnh phúc gia đình chống lao”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương lý giải, chống lao là công việc đòi hỏi nỗ lực không ngừng, không chỉ là công việc của những cán bộ y tế, còn cả cộng đồng cùng tham gia.
“Công việc của y bác sĩ chống lao là cố gắng để ngành này không còn cần thiết nữa. Nếu được hỏi “Ngành nào nỗ lực cố gắng xóa tên mình?’’, đó chính là ngành lao”, PGS.TS Nhung khẳng định.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.100 người chết vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc. Theo báo cáo của Chương trình chống lao quốc gia, Việt Nam hiện vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của khoảng 10.000 người/năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao. |
Ngọc Trang