Lâm đồng 2.jpg
Triển khai Mô hình hỗ trợ Cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến tại Phòng khám Đa khoa Trung tâm thuộc Trung tâm Y tế Đà Lạt.

Sở Y tế tỉnh đã đôn đốc các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trong ngành tập trung hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý khám bệnh, chữa bệnh (HIS).

Trong đó, tập trung hoàn thiện và số hóa cơ sở dữ liệu tiến tới triển khai Hồ sơ bệnh án điện tử đáp ứng quy định của Bộ Y tế, đặt mục tiêu trong năm 2023 - 2025 xây dựng và triển khai hệ thống quản lý PACS (dữ liệu chẩn đoán hình ảnh) tập trung, phục vụ triển khai Hồ sơ bệnh án điện tử và tư vấn, hội chẩn, khám, chữa bệnh từ xa.

Đối với địa bàn TP Đà Lạt, các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh cơ bản đã đáp ứng hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán Bảo hiểm y tế (HIS).

Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư nâng cấp hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin và phần mềm khám bệnh, tiến tới triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy; 100% các đơn vị triển khai tích hợp khai báo thông tin khám bệnh, chữa bệnh qua thẻ căn cước công dân, liên thông đơn thuốc điện tử, dữ liệu giấy khám sức khỏe, giấy chứng sinh, giấy chứng tử dữ liệu được liên thông đồng bộ trực tiếp, tự động và kịp thời phục vụ triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Phần mềm quản lý y tế cơ sở đã triển khai đến các đơn vị Trung tâm Y tế huyện, thành phố thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đến nay, tỷ lệ triển khai Nền tảng trạm y tế xã đạt tỷ lệ 100%.  

Sở Y tế giao chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ cho 10 Trung tâm Y tế huyện, thành phố tạo lập Hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho các đơn vị khám, chữa bệnh trong ngành Y tế.

Hiện tại, công tác tạo lập, quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 1.373.922 hồ sơ (đạt 97,8%). Tại TP Đà Lạt, tỷ lệ tạo lập Hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân trên địa bàn đạt 98,5% do Trung tâm Y tế TP Đà Lạt chủ trì thực hiện. 

Đến nay, đã có 168/168 cơ sở khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh theo quy định, đã tích hợp được 212.717 Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.

Trong năm 2022 - 2023, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thúc đẩy triển khai sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Qua đó, đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ về định hướng triển khai nền tảng Hồ sơ sức khỏe giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến 2030 làm tiền đề để triển khai xây dựng trục tích hợp dữ liệu ngành Y tế Lâm Đồng, tiến tới hình thành kho dữ liệu về y tế của tỉnh.

Sở Y tế đã triển khai thực hiện ký hợp đồng thuê Trung tâm Điều hành thông minh với Viễn thông Lâm Đồng và đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống.

Tại địa bàn TP Đà Lạt, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chủ động rà soát hoàn thiện hệ thống thông tin, cập nhật thông tin thay đổi cấu trúc dữ liệu theo quy định của Bộ Y tế.

Đảm bảo tính sẵn sàng đáp ứng liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh và cập nhật các dữ liệu theo bộ tiêu chí khi hệ thống Trung tâm Điều hành thông minh được đưa vào vận hành.

Trong năm 2021, ngành Y tế Lâm Đồng được đầu tư hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến quy mô toàn ngành, trong đó 100% đơn vị tuyến huyện, thành phố trở lên được trang bị hệ thống hội nghị truyền hình phục vụ tổ chức các cuộc họp chỉ đạo, họp giao ban, họp khẩn trong công tác chuyên môn, họp trực tuyến với Bộ Y tế...

Trong đó, các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện thành phố trở lên được trang bị tối thiểu 3 điểm cầu mỗi đơn vị, đáp ứng triển khai hệ thống chỉ đạo tuyến, hội chẩn từ xa, khám, chữa bệnh từ xa.

Năm 2022, ngành Y tế Lâm Đồng khai trương hệ thống thông tin tư vấn khám bệnh và hội chẩn từ xa trong y tế toàn tỉnh. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện đăng ký khám từ xa giữa đơn vị tuyến huyện với đơn vị tuyến tỉnh và lập kế hoạch đăng ký thực hiện khám bệnh với các tuyến trên, thực hiện Đề án khám, chữa bệnh từ xa theo kế hoạch triển khai của Sở.

Tại địa bàn Đà Lạt, 100% đơn vị khám bệnh, chữa bệnh được trang bị tối thiểu 3 điểm cầu, các đơn vị quản lý nhà nước lĩnh vực y tế trên địa bàn được trang bị 1 điểm cầu phục vụ công tác chỉ đạo tuyến, hoạt động hội chẩn, tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị duy trì hoạt động chuyên môn, hoạt động chỉ đạo tuyến và hoạt động hội chẩn giữa các tuyến, việc triển khai tương đối nhanh chóng, thuận lợi và tiết kiệm chi phí.

Một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện và khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng do hạ tầng trang thiết bị và phần mềm quản lý khám bệnh, chữa bệnh được đầu tư từ năm 2012 đã xuống cấp cần được nâng cấp, bổ sung.

Trong xây dựng y bạ điện tử hướng đến Hồ sơ sức khỏe điện tử, dữ liệu hồ sơ sức khỏe chưa được cập nhật đầy đủ các thông tin theo quy định do nguồn nhân lực y tế còn thiếu dẫn đến công tác quản lý, cập nhật còn gặp nhiều khó khăn.

Chưa có nền tảng quản lý chung trong toàn ngành Y tế Lâm Đồng, dẫn đến công tác liên thông không thống nhất. Bên cạnh đó, nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu trong công tác tham mưu, triển khai các công nghệ  mới và thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, Đề án 06…

Theo AN NHIÊN (Báo Lâm Đồng)