- Ông có thể chia sẻ về cảm hứng đằng sau tập thơ "Đi một mình" vừa được Ukiyoto Canada xuất bản. Điều gì đã thúc đẩy ông viết nên những dòng thơ trăn trở về nhân thế như vậy?

Đây là tập thơ thứ 49 của tôi vừa ra mắt tại Canada, tiếp theo mạch nguồn được khai sinh từ năm 1986, năm bắt đầu đổi mới ở Việt Nam, về số phận con người. Mà con người, như có lần tôi đã nói, là vấn đề trung tâm của thơ ca nhân loại, mang tính toàn cầu. Càng ngày, chúng ta càng sống trong một thế giới không ổn định với chiến tranh, khủng bố, sự bất công, áp bức và đói nghèo.

- Có nhận xét rằng thơ ông thể hiện nỗi buồn của con người khi cái thiện bị cái ác lấn lướt và sự thật - giả lẫn lộn. Ý kiến của ông thế nào?

Tôi nghĩ, từ xưa đã thế nhưng hiện nay nó thành vấn đề gay gắt vì chúng ta chú ý nhiều hơn. Và nó cũng thể hiện với cấp độ cao hơn, tương ứng với sự phát triển của kinh tế và đời sống xã hội. Ngày xưa không có cướp ngân hàng, không có các vụ lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng qua Internet… Tôi có câu thơ: “Cái ác vỗ vai cái thiện/ Cả hai cùng cười đi về tương lai…” mà một số tỉnh thành đã lấy làm đề thi chọn học sinh giỏi. Dường như không cách nào hạn chế vấn nạn này. Ngay cả đình, chùa, đền, miếu linh thiêng cũng thành nơi kinh doanh kiếm tiền. 

z5618473297312_92d093b23c8e400ad2519d16e8ed86bc.jpg
Nhà thơ Trần Nhuận Minh

- Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng ông luôn thu nạp được những dung lượng của văn hóa và có phong cách sáng tạo riêng. Ông có thể nói về quá trình hình thành phong cách này và làm thế nào để duy trì sự độc đáo đó?

Tên tập thơ Đi một mình (Go alone) là tôi lấy ý từ hai chữ "Độc hành" của nhà thơ Hữu Thỉnh khi ông nhận xét về thơ tôi. Ông nói: “Trần Nhuận Minh có nhiều bài thơ rất hay. Ông có nhiều thành tựu, được tặng nhiều giải thưởng. Nhưng ông không dừng lại ở đâu hết. Ông đang độc hành trên con đường sáng tạo, một mình một kiểu…”.

Còn hình thành được phong cách hay duy trì sự độc đáo thì theo tôi, điều tưởng như rất khó ấy, thực ra lại dễ dàng đạt được. Bạn hãy lắng nghe trái tim nói gì, có nghe thấy không? Có khi tiếng tim ấy “một mình mình biết, một mình mình hay” (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Nghĩa là nó "tự có" ở trong bạn, lặng lẽ và bền bỉ, bạn chỉ cần nhận ra, nhân rộng lên và bắt nó phải theo mình đến tận cùng; thôi thúc bạn cầm bút, có khi không cần cả bút, nó vẫn tự ra đời trong trí nhớ hay hiển hiện ở giấc mơ… Tôi nhớ một câu nói của một nhà thơ Pháp: “Hãy đập vào trái tim mình. Thiên tài là ở đấy!” 

- Nhà nghiên cứu Hoa Kỳ - William Hanbury Tenison đánh giá thơ ông có khả năng thu hút người đọc bằng tính chất vô thường và phù du. Ông xây dựng hình ảnh và nhịp điệu trong thơ như thế nào để đạt được hiệu quả đó?

Tôi có may mắn là được các nhà phê bình và bạn đọc chú ý, kể cả ở trong nước và quốc tế. Các bài viết đã đăng báo in sách về thơ tôi, rút ra chọn lại rồi đưa in cũng được đến 4 tập, mỗi tập khoảng 300 - 400 trang. Ông William viết về tôi có 2 điều: Một là, về chủ thuyết, tôi không theo hẳn một chủ nghĩa nào. Tuy thế, vẫn thấy triết học của Lão Tử ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn. Hai là, thơ tôi không giáo huấn, không bắt buộc người đọc phải hiểu theo cách hiểu của tác giả.

William viết một câu rất lạ: “Tôi đang đọc bài thơ này hay nó đang đọc tôi?”. Thật sự, chưa thấy ai viết về thơ tôi như thế. 

- Là một nhà thơ hào phóng trong việc chia sẻ trải nghiệm cá nhân, ông muốn độc giả cảm nhận điều gì khi đọc thơ mình? 

Tôi quan niệm rằng ai cũng có quyền cảm nhận theo cách của mình, có thể tự đưa ra kết luận, thậm chí chả cần kết luận nào. Người đọc cứ bị dẫn dụ bởi các câu thơ, đơn giản vậy thôi. 

Nhưng tôi rất muốn độc giả đọc thơ Trần Nhuận Minh sẽ biết thương người hơn và sống tốt hơn, biết chia sẻ và giúp đỡ người khác, hay ít nhất cũng không làm tổn thương đến ai. Đó cũng là thông điệp giản dị của thơ tôi.

z5618475760561_df7663a556c820334ccb8cd938a13157.jpg
Một số tác phẩm của nhà thơ Trần Nhuận Minh.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh

Nhà thơ Trần Nhuận Minh sinh năm 1944, tại Hải Dương, sống và viết tại Quảng Ninh từ năm 1962 đến nay, nhiều năm được bầu làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam...

Ông đã ra mắt 52 tác phẩm ở nhiều thể loại: sáng tác (thơ và tiểu thuyết), lý luận phê bình văn học, nghiên cứu văn hóa và lịch sử, biên khảo giới thiệu một số nhà thơ lớn nước ngoài. Nhiều tác phẩm được dịch ra các ngôn ngữ khác nhau, được tái bản nhiều chục lần ở trong nước, được đưa vào dạy và học trong trường phổ thông từ năm 1980 đến nay, được tặng nhiều giải thưởng văn học ở trong nước và khu vực sông Mekong trong đó có Giải Nhà nước đợt 2 năm 2007.

Ảnh: NVCC