Thông tin do bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cung cấp.
Cụ thể, số người trẻ tới khám tại bệnh viện này ngày càng tăng lên. Trong đó, lượng bệnh nhân dưới 30 tuổi chiếm khoảng 3/5 số người tới khám. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh và người mới đi làm chiếm đa số.
Theo ông, nhiều lý do khiến người trẻ bị rối loạn tâm thần như áp lực công việc, môi trường sống. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, kinh tế khó khăn cùng với áp lực làm giàu khiến họ rơi vào tình trạng căng thẳng. Thời gian qua, những biến động của thị trường chứng khoán, tiền ảo... khiến nhiều người rơi vào tình cảnh thua lỗ, mất tiền, cuộc sống ngày càng áp lực.
Bác sĩ Hiển gặp nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi đến khám vì trầm cảm hoặc rối loạn tâm lý đều than thở họ “trắng tay” vì mong làm giàu nhanh.
Đặc biệt, với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều bạn trẻ thiếu vắng các kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội, khó hòa nhập với cộng đồng, thiếu khả năng ứng phó với các tình huống bất ngờ, trầm trọng. Họ chỉ quen sống với thế giới ảo, giao tiếp qua mạng xã hội mà quên đi cuộc sống thực. Đối diện với thất bại, họ dễ bị sang chấn tâm lý và trầm cảm.
Ngoài ra, nguyên nhân có thể từ các yếu tố sinh học như di truyền, cân bằng sinh hóa trong cơ thể, tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Ở lứa tuổi dưới 20, áp lực từ học tập, sự thiếu quan tâm của gia đình khiến trẻ dễ lâm vào những chứng bệnh như trầm cảm, rối loạn tâm thần, rối loạn lưỡng cực.
Chuyên gia Vương Nguyễn Toàn Thiện, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cũng cho rằng các rối loạn sức khỏe tinh thần có gia tăng tỷ lệ sau dịch Covid-19 ở cả người lớn và trẻ vị thành niên. Các rối loạn tâm thần có thể kể đến bao gồm trầm cảm (31,4%), lo âu (31,9%), đau buồn (41,1%), rối loạn giấc ngủ (37,9%)…
Một bài báo trên tạp chí The Lancet năm 2021 cũng chỉ ra đại dịch Covid-19 dẫn đến gia tăng 27,6% trường hợp trầm cảm điển hình, 25,6% trường hợp rối loạn lo âu.
Theo ông Thiện, trong bối cảnh hiện nay, đại dịch Covid-19 được xem là một yếu tố quan trọng làm gia tăng rối loạn tâm thần nói chung và người trẻ nói riêng. Tuy nhiên, tất cả con người ở bất kỳ độ tuổi nào, quốc gia nào, xã hội nào đều có nguy cơ mắc rối loạn tâm thần.
Một số người có định kiến rằng rối loạn tâm tâm thần chỉ có ở người trưởng thành dẫn đến việc thiếu quan tâm và bỏ sót các rối loạn tâm thần ở trẻ em, vị thành niên, người cao tuổi... Điều đó dẫn đến các hậu quả đáng tiếc khi bệnh nhân không được can thiệp kịp thời.
Để phòng bệnh, chuyên gia Thiện cho biết mỗi người phải biết tự mình vượt qua những cám dỗ, những thử thách trong cuộc sống. Nhiều nghiên cứu chỉ ra vận động thể chất có thể tạo nên tác động tích cực cho tâm trí. Ngoài ra những yếu tố như sức bật tinh thần, nâng đỡ xã hội đều có tác động tích cực đến sức khỏe tâm thần của một người.
Các bác sĩ đều khuyến cáo giới trẻ nên xây dựng lối sống tích cực, nhìn nhận các vấn đề theo nhiều chiều, học cách mở lòng chia sẻ, học hỏi để gia tăng kỹ năng sống. Điều đó đều là biện pháp cần thiết để phòng tránh nguy cơ liên quan tới sức khỏe tâm thần.