Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ. |
Độ tuổi trẻ em bị xâm hại ngày càng nhỏ
Trở về sau phiên tòa xét xử vụ án xâm hại trẻ em, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em cho biết, bà rất đau lòng mỗi khi biết tin trẻ bị xâm hại.
Nữ luật sư nói: “Sau vụ việc bé gái 5 tuổi bị xâm hại, tử vong ở Vũng Tàu và các vụ mà chúng tôi đang tiếp nhận, tôi đau đớn nhận ra rằng, hiện nay, độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ. Nếu như trước đây, độ tuổi trung bình trẻ bị xâm hại là 7-9 tuổi thì bây giờ độ tuổi trung bình này nằm ở khoảng 3-5 tuổi thậm chí có trường hợp 2 tuổi”.
Điều đáng nói, tính chất, mức độ phạm tội của loại tội phạm này ngày càng nguy hiểm, tàn nhẫn. Đặc biệt, sau nhiều vụ việc, nữ luật sư nhận định, loại tội phạm này rình rập khắp nơi, thậm chí tồn tại ngay trong chính gia đình các nạn nhân.
Luật sư Nữ chia sẻ: “Tội phạm xâm hại trẻ em rình rập khắp nơi, thậm chí, nơi tưởng như an toàn lại là chốn các loại tội phạm này ẩn náu. Tội phạm xâm hại trẻ em thường không phải ai xa lạ với nạn nhân mà có thể là bạn bè của cha mẹ các bé, thậm chí là người thân của nạn nhân”.
“Trước đây, chúng tôi tuyên truyền các em thấy người lạ phải tránh xa. Bây giờ, tôi phải ngậm ngùi thêm chữ “người quen” vào giáo trình này. Tức là, trẻ cần đề phòng cả người lạ lẫn người quen, ngay cả cha ruột cũng có thể biến thành đối tượng xâm hại con trẻ”, nữ luật sư nói thêm.
Theo luật sư Nữ, các đối tượng tội phạm xâm hại trẻ em luôn tiềm ẩn mọi nơi. Thậm chí, nơi tưởng chừng là an toàn lại là nơi “yêu râu xanh” ẩn náu. |
Theo bà, hiện nay, số vụ xâm hại trẻ em diễn ra nhiều nhất ở các khu nhà trọ. Ở khu vực này, nhiều căn phòng san sát nhau, sinh hoạt của các bé dễ bị các đối tượng tội phạm xâm hại chú ý. Trong khi đó, phụ huynh lại tất bật mưu sinh, không có thời gian theo sát con em mình. Điều này vô tình tạo điều kiện cho loại tội phạm này gia tăng.
Luật sư Nữ cũng nhấn mạnh việc, hiện nay, nhiều đối tượng tội phạm sử dụng mạng xã hội để tiếp cận, dụ dỗ các nạn nhân là trẻ em dưới 16 tuổi. Những đối tượng này thường tìm cách tiếp cận các bé, rủ rê, dụ dỗ nạn nhân tham gia các chương trình trúng thưởng lớn với điều kiện phải thoát y chụp lại ảnh khỏa thân, quay clip gửi cho đối tượng.
Nhiều em có cuộc sống khó khăn, suy nghĩ non nớt, muốn giúp đỡ gia đình đã tự quay clip, chụp ảnh khỏa thân gửi cho kẻ xấu. Sau khi có hình "ảnh nóng" của trẻ, kẻ xấu sử dụng những thứ này để tống tình các em, nếu không chúng đe dọa sẽ tung ảnh, clip nhạy cảm lên mạng.
Cần sự đồng lòng của toàn xã hội để bảo vệ trẻ em
Nữ luật sư nói, đa số các đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em đều có tâm sinh lý không bình thường. Các đối tượng xâm hại sau khi bị khống chế, bắt giữ và được kiểm tra đều dương tính với các chất kích thích như ma túy đá, rượu, bia...
Ngoài một số ít đối tượng có vấn đề về thần kinh, không nhận thức được hành vi của mình thì phần còn lại đều có những suy nghĩ bệnh hoạn, lệch lạc về tình dục. Nhóm đối tượng này thường bị kích thích bởi phim ảnh đồi trụy dẫn đến những hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Do đó, nữ luật sư cho rằng cha mẹ phải luôn theo sát con em mình, phải gần gũi con mình nhất. |
Từ nhận định trên, luật sư Nữ cho biết, để giảm thiểu nạn xâm hại trẻ em, các cơ quan chức năng cần phối hợp tổ chức nhiều cuộc kiểm tra để phát hiện và có hướng xử lý thích hợp với các đối tượng thuộc nhóm có khả năng trở thành tội phạm xâm hại trẻ em như đã phân tích.
Bà cũng khuyến cáo cơ quan chức năng hỗ trợ, lắp đặt 100% camera an ninh tại các khu nhà trọ. Lực lượng chức năng tại địa phương có khu phòng trọ cũng cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện các đối tượng tiềm ẩn nguy cơ trở thành tội phạm xâm hại trẻ em như: nghiện ma túy, sử dụng chất kích thích…
Sau cùng, nữ luật sư đặt nặng vấn đề phụ huynh phải thực sự theo sát, bảo vệ con em mình. Bà nói: “Hiện nay, độ tuổi bị xâm hại rất nhỏ, các em chưa có khả năng tự vệ nên cha mẹ càng phải sâu sát hơn. Cha mẹ phải là người theo sát con mình, gần gũi con mình nhất. Những vụ việc gần đây là các bài học cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh”.
Theo nữ luật sư, các bậc cha mẹ cần phải luôn luôn quan sát, đảm bảo con em mình đang ở trong khu vực an toàn. Nếu quá bận bịu, không đủ thời gian chăm sóc, bảo vệ các em, phụ huynh nên gửi con mình vào các cơ sở giữ trẻ uy tín.
“Mặt khác, các phụ huynh cũng cần phải chú ý hơn đến việc ăn mặc của con em mình để các em không trở thành nạn nhân của những đối tượng tội có tâm sinh lý lệch lạc. Hơn thế, phụ huynh nên hạn chế, có hướng quản lý thậm chí không cho các em sử dụng điện thoại thông minh, tiếp cận quá sớm với mạng xã hội”, luật sư Nữ khuyến cáo.
Nữ luật sư cho biết, bà đang đề xuất xây dựng mô hình "Một điểm dừng" để bảo vệ trẻ em. |
Ngoài ra, luật sư Nữ cho biết, đầu năm 2020, khi tham gia đoàn giám sát của Quốc hội, bà đã đề xuất thí điểm mô hình Một điểm dừng, triển khai từ Đề án Trung tâm một cửa liên ngành bảo vệ khẩn cấp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực giới và xâm hại của Hội LHPN Việt Nam.
Theo bà, đối tượng trẻ em bị bạo hành, xâm hại không chỉ đau đớn về mặt thể xác, tổn hại sức khỏe nghiêm trọng, mà còn bị sang chấn tâm lý, tổn thương tinh thần khủng khiếp. Với quy trình hiện nay, các nạn nhân này phải trải qua sự xác minh của nhiều cơ quan hữu trách, khiến trẻ đã sợ lại càng sốc hơn.
Mô hình Một điểm dừng, theo cách dễ hiểu nhất, là chọn một vị trí, cơ sở nào cố định để các nạn nhân bị bạo hành, xâm hại tới đó tố cáo. Khi có vụ việc, tất cả các cơ quan chức năng sẽ được mời tới để tiếp xúc với nạn nhân, từ việc lấy lời khai, ghi âm ghi hình củng cố lời khai, giám định thương tích, lấy mẫu tinh dịch...
“Với mô hình này, nạn nhân không trải qua nhiều quy trình, ảnh hưởng đến tinh thần. Ngoài ra, khi các nạn nhân chỉ đến một điểm như vậy, các chứng cứ sẽ được giữ lại ngay, không bị phai nhạt bởi các tác nhân khác, tạo điều kiện cho quá trình điều tra”, luật sư Nữ nói thêm.
Nguyễn Sơn
Ảnh nhân vật cung cấp
Nữ luật sư nổi tiếng yêu thương, bảo vệ trẻ em bằng cả trái tim
Nhiều năm qua, bà trở thành niềm tin, chỗ dựa, lá chắn sống của trẻ em bị xâm hại. 65 tuổi, bà vẫn đi lại như con thoi giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận để bảo vệ trẻ em.