Với quyết định của thành phố, ngày 13/4, các trường mầm non sẽ đón trẻ, tổ chức bán trú và dạy hai buổi một ngày dựa trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận của phụ huynh. Kể từ tháng 4/2021 đến nay, trẻ đã có gần 1 năm không được tới trường.
Theo nhiều phụ huynh, trẻ mầm non, mẫu giáo là đối tượng thiệt thòi nhất so với các cấp học khác. Vì vậy, việc Hà Nội cho phép trẻ mầm non đi học trở lại đã nhận được nhiều sự đồng thuận.
Cô Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhân Chính (Thanh Xuân) chia sẻ, sau gần 1 năm mới được đón học sinh quay trở lại, hôm nay là một ngày tràn đầy cảm xúc với các thầy cô nhà trường.
"Suốt nhiều ngày nay, các giáo viên và ban lãnh đạo nhà trường đều mong chờ từng giây phút được chào đón các con. Từ sáng sớm, toàn bộ ban giám hiệu và giáo viên đã đứng ở cổng trường để sẵn sàng đón các con vào lớp.
"Bữa trưa hôm nay, thay vì cho các con ăn trưa như truyền thống, nhà trường sẽ tổ chức hoạt động buffet trưa, giúp các con tự tin, mạnh dạn, ăn được nhiều hơn vì các con được tự chọn những món ăn mình thích.
Ngoài ra, trong chiều nay, các lớp cũng sẽ có hoạt động tặng quà cho các con nhân buổi đầu tiên đến trường. Hy vọng, điều này sẽ giúp các con hào hứng, vui vẻ và yêu thích việc tới trường hơn", cô Hiền nói.
Trước ngày mở trường, Trường Mầm non Nhân Chính cũng đã tổ chức khảo sát ý kiến phụ huynh. Theo cô Hiền, tỉ lệ đồng thuận cho trẻ tới lớp của phụ huynh nhà trường chiếm 91%. Số còn lại, phụ huynh đều có lý do cụ thể để cho con tới trường muộn hơn.
Với những phụ huynh kiên quyết chưa cho con tới lớp, cô Hiền cho biết, nhà trường cũng nỗ lực tuyên truyền thông qua các nhóm Zalo của lớp, website của trường, trong đó tích cực cập nhật các hoạt động học tập của trẻ bằng hình ảnh, video, đồng thời động viên, trao đổi, giải đáp thắc mắc của phụ huynh để cha mẹ tin tưởng đưa con tới lớp.
Trong khi một số tỏ ra háo hức, vui vẻ chụp hình kỉ niệm của bố mẹ, cô giáo thì nhiều trẻ mếu máo, khóc lóc trong ngày đầu lạ trường, lạ cô.
Chia sẻ với VietNamNet, cô giáo Nguyễn Thị Đào (giáo viên phụ trách lớp mẫu giáo bé 3-4 tuổi, Trường Mầm non Lê Quý Đôn, quận Hà Đông) chia sẻ, do là ngày đầu tiên quay trở lại trường nên hôm nay nhiều trẻ khóc mếu, thậm chí đòi về cùng phụ huynh. Để khắc phục, cô Đào cùng các giáo viên đã dùng các biện pháp nghiệp vụ như dỗ dành, trấn an tâm lý, tổ chức trò chơi để các bé yên tâm.
Dù rất vất vả, song cô Đào cho hay, các giáo viên của trường đã có kinh nghiệm cũng như quyết tâm để các bé đến trường được an toàn, vui vẻ.
Chị Nguyễn Thu Trang (phường La Khê, quận Hà Đông) cho hay, hôm nay dù cũng có chút lo lắng nhưng cũng rất phấn khởi khi con được quay trở lại trường.
“Con trở lại trường thì mình mới có thể yên tâm, tập trung đi làm. Chúng tôi cũng yên tâm hơn khi cho con đi học khi dịch bệnh Covid-19 ở Hà Nội có vẻ đã được kiểm soát tốt”, chị Trang nói.
Nhiều giáo viên rơi nước mắt
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui của “ngày hội đến trường”, nhiều thầy cô thuộc khối mầm non dân lập, tư thục lại bất lực vì không thể đón trẻ trong ngày trở lại do các nhóm, lớp mầm non đã bị tan rã trong đại dịch.
“Đây có lẽ là nỗi đau đáu của các cơ sở mầm non nhỏ, lẻ không thể bám trụ trong đợt dịch vừa qua. Học sinh phải tìm trường mới, nhìn nhiều giáo viên ra đi mà không thể giữ,… đó là điều chúng tôi không mong muốn”, cô Nguyễn Hoài Thương, chủ cơ sở mầm non Happy Hearts Montessori (Hoàng Mai) nói.
Cô Nguyễn Thu Hà, chủ một trường mầm non tư thục ở Mỹ Đình cũng bất lực rơi nước mắt vì không thể đón các con trong ngày quay trở lại trường.
“Rất nhiều phụ huynh tiếc nuối nhắn tin cho cô giáo rằng không muốn cho con chuyển trường, rồi động viên các cô cố gắng bám trụ với nghề. Nhưng ở thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn cần thời gian để vực dậy”, cô Hà nói.
Theo thống kê, Hà Nội đang có gần 600.000 học sinh mầm non, trong đó khoảng 28% trẻ theo học tại các trường ngoài công lập. Việc nhiều trường mầm non dân lập, tư thục bị giải thể trong đại dịch đã khiến nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh “chao đảo”, phải chạy đôn, chạy đáo tìm chỗ học mới cho con.
Thanh Hùng - Thúy Nga