Stamos đã dẫn đầu nhóm nghiên cứu về "hoạt động thông tin" trên Facebook và Instagram xuyên suốt cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ. Ông cũng là một trong những tên tuổi có tiếng trên Twitter, và bấy lâu nay, ông luôn bảo vệ các động thái của Facebook, nhất là những hành động liên quan đến an ninh và can thiệp chính trị của công ty. Vào tháng 12, ông đã công bố ý định từ bỏ, nhưng sau đó đã được yêu cầu để ở lại công ty cho đến tháng 8. Từ đó đến nay, Stamos đã giúp cho các nhân viên của ông chuyển sang các bộ phận sản phẩm và cơ sở hạ tầng của Facebook. Trước kia, ông ta từng điều hành hơn 120 nhân viên, nhưng giờ, chỉ có 3 người trực tiếp làm việc dưới lãnh đạo của ông.
Trong một dòng chia sẻ trên Twitter hôm nay, Stamos đã giãi bày: "Không như những tin đồn, tôi vẫn hoàn toàn gắn bó với công việc của mình tại Facebook. Đúng là vai trò của tôi đã thay đổi. Hiện giờ tôi đang dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu những rủi ro an ninh, và đang làm về mảng an ninh bầu cử." Tuy nhiên, ông cũng không đề cập về các dự định trong tương lai của mình.
Trong mấy ngày vừa qua, Facebook đã bị dư luận chỉ trích sau khi công ty bị phát hiện là đã cho phép Cambridge Analytica, một công ty dữ liệu, truy cập dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng để phục vụ mục đích chính trị. Khi bị phát giác, Stamos đã lên tiếng bảo vệ cho Facebook trên Twitter rằng vụ việc này không phải là một vụ "vi phạm dữ liệu".
Ông chia sẻ: "Kogan (vị giáo sư làm việc cho Cambridge Analytica) đã không đột nhập vào bất cứ hệ thống nào, không vượt mặt các biện pháp kiểm soát kỹ thuật nào, và cũng không sử dụng lỗ hổng phần mềm để thu thập những dữ liệu mà không được cho phép. Cái ông ta đã làm là sử dụng dữ liệu sai mục đích, nhưng điều đó không có nghĩa là ông ấy đã "vi phạm dữ liệu."" Tuy nhiên sau đó, Stamos đã xoá dòng tweet này kèm theo các bài đăng khác về vụ việc.
Sau đó, ông đã viết một tweet khác: "Tôi đã xoá Tweet của tôi về Cambridge Analytica, không phải bởi vì chúng không đúng sự thật, mà bởi lẽ ra tôi đã nên đóng góp một cách tốt hơn. Có nhiều vấn đề lớn mà những công ty công nghệ lớn cần phải sửa chữa tốt hơn. Chúng tôi đã quá lạc quan về cái mà chúng tôi đã xây dựng và về tác động của chúng tôi với thế giới. Có thể bạn không tin, nhưng rất nhiều người ở những công ty này, từ những thực tập sinh cho đến các CEO đều đồng ý với ý kiến đó."
Cổ phiếu của Facebook đã giảm mạnh sau khi có những báo cáo về vụ rò rỉ thông tin liên quan đến Cambridge Analytica. Vốn hoá thị trường của công ty đã giảm đi đến 40 tỷ USD. Theo CNBC báo cáo, tổng tài sản của Mark Zuckerberg đã bị trừ đi đến 6,06 tỷ USD sau khi giá cổ phiếu giảm mạnh.
Theo GenK