Chỉ còn vài ngày nữa, trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam, tiếng trống trường sẽ vang lên báo hiệu năm học mới bắt đầu. Ai cũng có một ngày khai trường để nhớ, VietNamNet mở diễn đàn Khai trường xưa – là nơi để độc giả tua lại một phần ký ức của mình, về kỷ niệm tự tay bọc vở bằng bìa báo cũ, mân mê vẽ trang trí cho chiếc nhãn vở hay thổn thức chờ đợi được mặt bộ quần áo mới đến lớp gặp lại bạn bè, thầy cô sau nhiều tháng ngày xa cách. 

Nhà giáo, nhà văn Đào Quốc Vịnh sẽ chia sẻ ký ức về một lễ khai giảng đặc biệt khi còn là một cậu học trò cấp 2 trong ngôi trường ở ngoại thành Hà Nội.

Những ngày đầu thu sắc trời Hà Nội xanh thắm, cờ đỏ và muôn sắc hoa rực rỡ đón chào ngày Quốc khánh 2/9. Tiếng trống của một đội nghi thức trường tiểu học hòa trong tiếng trẻ nô đùa chuẩn bị đón chào năm học mới dội vào lòng, đưa tôi ngược trở lại dòng ký ức về một ngày khai trường cách đây trên năm mươi năm mà lớp người chúng tôi thời đó đã trải qua: Lễ khai giảng trong ngập tràn nước mắt…

Buổi sáng mùa thu ấy, chắc chắn hôm đó là ngày 4/9/1969, tôi thức dậy từ rất sớm, ăn vội bát cơm nguội vét trong chiếc xoong gang đúc bằng mảnh vỡ từ chiếc máy bay Mỹ bị bắn cháy rơi ở cuối đồng làng.

Tôi mặc quần áo nghiêm chỉnh, đeo chiếc mũ rơm mẹ mới bện cho còn thơm mùi hương lúa nếp ra sau lưng, khoác mảnh áo đi mưa màu xanh bộ đội cũ kỹ đã bạc màu rồi rảo bước đi trên con đường làng đến trường để dự Lễ khai giảng năm học mới. Trong lòng tôi tràn ngập một niềm vui, niềm háo hức được gặp lại bạn bè đã xa nhau sau kỳ nghỉ hè kéo dài ba tháng.

Ngôi trường tôi học năm ấy là Trường cấp 2 Dương Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Trời rả rích mưa. Con đường làng lầy lội. Đang cắm đầu cắm cổ đi đến trường, bất giác tôi nhìn thấy một đám đông, trẻ con có, người lớn, người già cũng có đang đứng lặng như trời trồng trước cậy cột loa truyền thanh của xóm, lắng nghe người phát thanh viên thông báo: "Bác Hồ đã từ trần".

Có tiếng ai đó nức nở khóc to lên thành tiếng. Rồi mọi người cùng khóc. Tôi không có cảm giác mình đang khóc, nhưng nước mắt tôi trào ra. Cổ tôi như tắc nghẹn lại. Làm sao chúng tôi có thể tin điều đó là sự thật!

Tôi đưa tay áo lên quệt nước mắt rồi quay lại, cắm đầu cắm cổ chạy một mạch về nhà, gào thật to lên gọi cha. Cha tôi từ trong nhà hớt hải chạy ra, hỏi, có việc gì mà làm ầm lên thế. Tôi lắp bắp nói trong nghẹn ngào: “Cha ơi, Bác Hồ mất rồi!”.

Tôi chạy vội vào sân trường. Những hàng học sinh chuệch choạc, từng đám từng đám, chúng tôi đứng sát vào nhau, mắt đỏ hoe vì khóc. 

Trường THCS Dương Quang (huyện Gia Lâm, Hà Nội) ngày nay

Cô Khánh Vân - Hiệu phó nhà trường, mặc một bộ quần áo màu đen, trên tay áo đeo một vòng băng tang, một tay gạt nước mắt, một tay khum lại nói như gào lên: “Các em học sinh ơi, các em hãy đứng vào hàng của lớp mình để chúng ta làm Lễ khai giảng năm học mới. Bác Hồ kính yêu của chúng ta đang nhìn các em học sinh trường chúng ta khai giảng đấy!”.

Nghe lời cô, chúng tôi ổn định trật tự, đứng về vị trí của lớp mình. Tôi nhìn lên phía lễ đài: Một sân khấu nhỏ xây bằng gạch vội vã, đặt một chiếc bục phát biểu. Ngay giữa sân khấu, một chiếc cột cờ bằng tre treo cờ đỏ sao vàng với một dải băng tang buồn rủ trong mưa. Ngay dưới chân cột cờ là một chiếc bàn nhỏ, tấm ảnh Bác Hồ được đặt trên đó. 

Trong tiếng loa, thầy hiệu trưởng, tay áo cũng đeo băng tang, chậm rãi nói: "Các em học sinh ơi, Bác Hồ của chúng ta đã đi xa, nhưng các em phải biến đau thương thành hành động cách mạng. Thầy kêu gọi các em hãy học thật tốt, thật chăm ngoan để xứng đáng với tình cảm Bác Hồ đã dành cho chúng ta...". Đến đây, thầy hiệu trưởng như nấc lên. Rồi tất cả các thầy giáo, cô giáo và đám học trò chúng tôi đều khóc.

Các thầy cô chủ nhiệm yêu cầu học sinh về lớp, dỗ dành để chúng tôi đừng khóc nữa, nhưng chính các thầy cô vẫn rưng rức khóc. Buổi lễ khai giảng ngập tràn nước mắt của chúng tôi đã diễn ra như thế trong ngày đau thương nhất của dân tộc, ngày Bác Hồ về với thế giới người hiền…

Vài ngày nữa thôi, các em học sinh của ngôi trường Dương Quang bây giờ sẽ cùng hàng triệu em học sinh cả nước háo hức một niềm vui bước vào năm học mới, đầy ắp những ước mơ. Cứ tới những ngày đầu tháng 9 thế này, tiếng trống trường luôn dội vào lòng tôi một nỗi niềm khó tả.

Và cũng tiếng trống trường ấy lại đưa tôi ngược về miền ký ức, ngược về tuổi thơ, với ngày khai trường đặc biệt của chúng tôi năm 1969.

Đào Quốc Vịnh 

Ai cũng có một ngày khai trường để nhớ, quý độc giả có thể chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm ngày đặc biệt này của mình về email Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn.