Sáng ngày 10/4, Viettel khai trương trung tâm dữ liệu tại Hoà Lạc, đây là trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam. Với quy mô 21.000 m2, 2400 rack và có công suất tiêu thụ điện là 30 MW, trung tâm dữ liệu tại Hòa Lạc của Viettel lớn gấp 2 lần trung tâm dữ liệu lớn nhất đang được khai thác tại Việt Nam. Trung tâm này được thiết kế và triển khai đảm bảo an toàn vật lý 5 lớp, đây là mức cao nhất hiện nay.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Trưởng ban dự án Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc cho biết, tất cả các trung tâm dữ liệu của Viettel được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế TIA 942.
Theo ông Tùng, đây là trung tâm dữ liệu xanh và để đáp ứng tiêu chuẩn xanh, bắt buộc phải dùng hệ thống chiller giải nhiệt nước, đây là công nghệ mới nhất vì giải nhiệt nước sẽ tối ưu hơn và hiệu suất cao hơn giải nhiệt gió. Ngoài ra, Viettel chọn những thiết bị sản xuất mới nhất hiện nay là công nghệ đệm từ, chân không, để giảm thiểu mức tiêu thụ điện năng của thiết bị chiller.
Tại trung tâm dữ liệu này có thể kết nối với tất cả các nước và 5 tuyến cáp quang biển, với 5 hướng khác nhau nên luôn đảm bảo dự phòng. Toàn bộ việc vận hành của trung tâm dữ liệu đều được giám sát và hỗ trợ 24/7 từ xa.
Nguồn vốn xây dựng trung tâm dữ liệu của Viettel sử dụng nguồn vốn xanh của ngân hàng HSBC. Để sử dụng nguồn vốn xanh, đơn vị này phải chứng minh những hoạt động về trung tâm dữ liệu phải đạt các chỉ số xanh. Viettel cam kết phát triển xanh và tham gia các nhà cung cấp xanh, cam kết Zero về rác thải carbon.
Chia sẻ về DC mới, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Viettel IDC cho biết, phát triển trung tâm dữ liệu là xu hướng rất mạnh ở Việt Nam để thúc đẩy chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và doanh nghiệp số. Thị trường trung tâm dữ liệu trên thế giới tiến tới năm 2030 đang phát triển với mức khoảng 7-8%/năm. Tại châu Á - Thái Bình Dương, dự báo sẽ tăng khoảng 18-19%/năm cho đến năm 2030.
Tại Việt Nam, thị trường trung tâm dữ liệu tăng trưởng khoảng 14%, gấp đôi so với thế giới. Mặc dù tăng trưởng mạnh, nhưng Việt Nam vẫn ở nhóm sau so với khu vực, cụ thể sau Singapore, Malaysia, Indonesia và ngang hàng với Thái Lan, trong khi Philippines ở tốp cuối.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 28 trung tâm dữ liệu, gần bằng Thái Lan, nhưng bằng khoảng một nửa của Malaysia, nên nhu cầu phát triển trung tâm dữ liệu của Việt Nam đang ở mức cấp thiết.
Ông Nam cho biết thêm, khi Viettel khánh thành trung tâm dữ liệu này, cũng thay đổi vị trí của Việt Nam về trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, nếu so với các trung tâm dữ liệu trên thế giới của các Big Tech, trung tâm dữ liệu Viettel vẫn ở mức trung bình.
Dự kiến, trong vòng 2 năm tới, trung tâm dữ liệu mới của Viettel sẽ lấp đầy khoảng trên 70% dung lượng. Trong khi đó, theo kinh nghiệm trên thế giới khi trung tâm dữ liệu đạt 60% dung lượng, doanh nghiệp đã phải tính đến đầu tư trung tâm mới. Viettel dự kiến sẽ đầu tư 24 trung tâm dữ liệu đáp ứng khoảng 5.000 khách hàng và công suất tiêu thụ điện là 560 MW.
Hiện các nhà mạng vẫn đầu tư cho các trung tâm dữ liệu theo tín hiệu của thị trường, ví dụ như nhu cầu khách hàng, vị trí địa lý, thuận tiện về năng lượng, giao thông, thiên tai, kết nối… để mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư. “Lưu trữ bền vững, chuẩn dữ liệu ngày càng tăng, nhưng phải giảm thiểu tác động môi trường, năng lượng… Viettel nhìn thấy cơ hội nên đầu tư để đảm bảo dữ liệu quốc gia. Viettel nhìn thấy tiềm năng của dữ liệu khi mạng 5G chính thức cung cấp dịch vụ”, ông Lê Hoài Nam nói.