Năm 1965, UNESCO chọn ngày 8/9 hằng năm là ngày Quốc tế xoá nạn mù chữ, nhằm nâng tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết đối với sự phát triển của con người.
Trước đó 20 năm, cũng vào ngày 8/9/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam đã ban hành 3 sắc lệnh về giáo dục, chống nạn thất học, đặt sự nghiệp bình dân học vụ vừa là một phong trào cách mạng, vừa là thiết chế giáo dục của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Kể từ đó, công cuộc học tập của nhân dân Việt Nam đã bước lên tầm cao mới. Ngày nay, phong trào học tập thường xuyên, suốt đời đã lan tỏa, góp phần xây dựng xã hội học tập trong cả nước.
Từ nỗ lực xóa mù chữ, phổ cập giáo dục...
Ở Việt Nam, trước năm 1945, đại đa số người dân nước ta mù chữ. Theo tài liệu ghi lại của Nha Học chính Đông Pháp vào năm 1938 thì “95% dân chúng Việt Nam không biết một thứ chữ gì”.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay sau đó, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời, Bác Hồ đã đề nghị mở chiến dịch chống nạn mù chữ vì "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu".
Theo đó, ngày 8/9/1945, Nha Bình dân học vụ được thành lập (Sắc lệnh số 19). Chỉ sau một năm hoạt động, Bình dân học vụ đã có 74.957 lớp học xóa mù chữ và có hơn 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ (ước tính cả nước lúc đó có 22 triệu người).
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đảng và Chính phủ vẫn quan tâm lãnh đạo toàn dân tiếp tục công cuộc xóa mù chữ và tổ chức các lớp bổ túc văn hóa. Phong trào Bình dân học vụ phát triển, những lớp bổ túc văn hóa tiếp sau đó đã đưa 8 triệu người dân trong 9 năm kháng chiến (1946-1954) thoát nạn mù chữ. Tới năm 1959, tất cả các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng trung du miền Bắc đều hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ cho nhân dân ở độ tuổi 12-50.
Kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), các vùng thấp thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đã xóa xong nạn mù chữ cho nhân dân các dân tộc thiểu số.
Tại miền Nam, đến năm 1975 vẫn có 30% người dân mù chữ. Trong Chỉ thị 221 ngày 17/6/1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh: "Trước mắt, phải coi đây (xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa) là nhiệm vụ cấp thiết số một". Trong thư gửi giáo viên và học sinh nhân dịp năm học mới năm 1976, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng lưu ý "Miền Nam phải tập trung sức nhanh chóng xóa nạn mù chữ và đẩy mạnh công tác bổ túc văn hóa cho cán bộ và thanh niên công nông".
Hai năm sau đó, cuối tháng 2/1978, 21 tỉnh, thành phố miền Nam cơ bản xóa mù chữ.
Sau khi đất nước thống nhất, công cuộc xóa mù chữ tiếp tục sứ mệnh của mình với mục tiêu và nhiệm vụ cao hơn là phổ cập giáo dục trung học cơ sở và giáo dục thường xuyên...
Đến năm 2000, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước với 98,03% số quận, huyện; 98,53% số xã, phường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ. Hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được đi học Tiểu học; 94% dân số trong độ tuổi 15-35 đã biết chữ.
… đến duy trì thành quả
Tới nay, chất lượng phổ cập giáo dục ở các cấp đều được duy trì bền vững. Cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; cơ bản bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục.
Nói riêng về công cuộc xóa mù chữ những thành quả đã được duy trì bền vững và có bước phát triển trong năm học vừa qua, dần ngăn chặn được tình trạng tái mù chữ.
Hiện tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 biết chữ mức độ 1 và mức độ 2 lần lượt là gần 99% và hơn 97%. Tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đều đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 48/63 tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (76,19%), trong đó có 4 tỉnh nâng chuẩn xóa mù chữ từ mức độ 1 lên mức độ 2 so với năm học trước là: Phú Yên, Kiên Giang, Sóc Trăng và Quảng Nam.
Cả nước còn 15 tỉnh chưa đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, gồm: Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Bình Phước, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang và Cà Mau.
Theo Bộ GD-ĐT, nhằm duy trì kết quả xóa mù chữ và nâng chuẩn xóa mù chữ từ mức độ 1 lên mức độ 2, trong năm học 2022-2023, nhiều Sở GD-ĐT đã tích cực chỉ đạo các trung tâm học tập cộng đồng, các trường tiểu học vận động người mù chữ ra các lớp xóa mù chữ như: Hà Giang (5.897 học viên), Lai Châu (5.176 học viên), Lào Cai (2.325 học viên), Yên Bái (2.088 học viên), Sơn La (2.303 học viên), Lạng Sơn (1.269 học viên), TP.HCM (1.547 học viên), Điện Biên (1.416 học viên), Thừa Thiên - Huế (1.176 học viên)...
Nhiều Sở GD-ĐT đã ký kết các chương trình phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về kế hoạch phối hợp tổ chức các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân tại trại giam; ký kết chương trình phối hợp với Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh về đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, củng cố kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học; ký kết chương trình phối hợp với Hội Khuyến học về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, ký kết chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ về nâng cao chất lượng giáo dục và công tác xóa mù chữ...
Một số Sở GD-ĐT đã thực hiện tốt thông tin, tuyên truyền về công tác xoá mù chữ cho người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về dạy chương trình xóa mù chữ...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xoá mù chữ vẫn còn tồn tại một số khó khăn, chậm khắc phục. Nhiều địa phương hiện vẫn còn người mù chữ nhưng không huy động được ra học xóa mù chữ như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Tuyên Quang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, An Giang.
Một số địa phương còn nhiều người mù chữ nhưng huy động được ít người ra học xóa như: Tiền Giang, Cà Mau, Đắk Lắk, Gia Lai, Thanh Hóa, Ninh Thuận.
Một số địa phương có tỷ lệ người mù chữ vẫn còn cao như: Ninh Thuận (10,52%), An Giang (7,30%), Lai Châu (6,11%), Thành phố Hồ Chí Minh (6,45%), Hà Giang (4,58%), Gia Lai (4,49%), Bắc Kạn (4,45%), Bình Phước (3,66%)…
Do vậy, bước sang năm học 2023-2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ GD-ĐT đặt ra đối với giáo dục thường xuyên là tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện công tác xóa mù chữ.
Đồng thời, phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030" đang được phát động.
Mục tiêu của chương trình này nhằm góp phần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.