Sự kiện gồm chuỗi hoạt động mang thông điệp: Sách hay cần bạn đọc; Sách quý tặng bạn; Tặng sách hay - Mua sách thật; Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe.
Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 17/4.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức những hoạt động hưởng ứng tại Thư viện quốc gia Việt Nam, hệ thống thư viện và các thiết chế văn hóa. Các bộ, ngành, tổ chức hội, đoàn thể Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu thực tế...
Các địa phương triển khai kế hoạch tổ chức gắn với nhiệm vụ chính trị và ngày lễ lớn trong năm trên địa bàn. Các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành chủ động tổ chức tuần lễ sách, hội sách, tháng phát hành sách trọng tâm, tri ân khách hàng.
Đồng thời, các đơn vị tổ chức kênh phát hành trực tuyến, kết hợp với nền tảng công nghệ, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá, tặng sách đối tượng yếu thế; khuyến mại hỗ trợ bạn đọc, phát triển văn hóa đọc...
Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu việc tổ chức các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba phải đến các địa bàn cơ sở, chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn nhằm tạo sự hưởng ứng của xã hội một cách sâu rộng, hiệu quả.
Huy động mọi nguồn lực xã hội để tổ chức các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam theo hướng đa dạng, phong phú, kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại theo xu thế phát triển của các nền tảng công nghệ, chuyển đổi số như: Hội sách trực tiếp; Hội sách trực tuyến trên các nền tảng công nghệ; Hội sách trực tiếp kết hợp với trực tuyến; Hội sách thanh toán không sử dụng tiền mặt; đổi điểm thưởng tích lũy của khách hàng tại một số ngân hàng thương mại lấy quà tặng bằng sách; kết hợp truyền thông, quảng bá sách và văn hóa đọc trên các chuyên mục báo điện tử, mạng xã hội.