Lì xì mạ vàng 24k tài lộc, hũ muối, gạo vàng... đắt khách
Trong ngày vía Thần Tài (10/1 Âm lịch), không chỉ vàng bạc mà còn rất nhiều mặt hàng khác hút khách. Báo Phụ Nữ Việt Nam cho hay, bên cạnh các đơn vị cung cấp vàng bạc lớn, thị trường ngày vía Thần Tài năm nay còn nhộn nhịp với các sản phẩm mạ vàng, bao lì xì Thần Tài, mèo Thần Tài,... Trong đó, bao lì xì Thần Tài mạ vàng 24k giá chỉ vài chục nghìn đồng đang rất hút khách
Hũ muối gạo Thần Tài giá rẻ năm nay bỗng trở nên "hot". Giá bán hũ muối gạo Thần Tài dao động từ 48-75 nghìn đồng/sản phẩm.
Sản phẩm gạo vàng tài lộc ngày vía Thần Tài cũng được rao bán trên chợ online và các sàn thương mại điện tử. Sản phẩm này có giá 150 nghìn đồng/sản phẩm.
Thực phẩm sau Tết: Hàng hóa dồi dào, giá cả không biến động nhiều
Ngày 26/1 (mùng 5 Tết), theo Báo Công An Nhân Dân, trên thị trường Hà Nội, hầu hết các chợ dân sinh và hệ thống siêu thị đã hoạt động bình thường, mặt hàng phong phú, đa dạng. Tại các siêu thị, giá bán bình ổn so với trước Tết nhưng sức mua khá khiêm tốn. Ở chợ Gia Lâm, giá các loại rau xanh phục vụ ăn lẩu đắt hơn ngày thường; giữ giá cao và tăng mạnh là mặt hàng thịt bò. Trong khi đó, giá cả tại các chợ xa trung tâm hầu như không tăng.
VTC News phản ánh, thông thường, sau Tết do nhu cầu sử dụng các loại thuỷ, hải sản, rau xanh tăng cao, giá sẽ tăng theo, nhưng năm nay các loại cá nước ngọt không tăng so với thời điểm trước Tết.
Tại TP.HCM, Báo Phụ Nữ TP.HCM cho biết, giá các loại rau củ quả, thịt lợn đã ổn định trở lại, bằng mức giá thời điểm trước Tết. Riêng mặt hàng hải sản tăng cao.
Hoa tươi, trái cây tăng giá nhẹ
Trong khi giá các loại hàng hóa thực phẩm nhìn chung vẫn khá ổn định thì hoa tươi, trái cây tăng giá nhẹ. Theo ghi nhận của PV Vietnam+ trong sáng mùng 6 Tết tại một số chợ ở Hà Nội, giá hoa ly ở mức 130.000-140.000 đồng/chục, tăng 30.000-40.000 đồng so với trước Tết; hoa huệ giá 110.000-120.000 đồng/chục, tăng 30.000-40.000 đồng; hoa hồng giá 70.000-75.000 đồng/chục, tăng 20.000-25.000 đồng; hoa cúc giá 60.000-70.000 đồng chục, tăng 10.000-20.000 đồng…
Lý giải nguyên nhân hoa tươi tăng giá, một số tiểu thương chợ Vĩnh Tuy cho biết, giá hoa tăng sau Tết là do nhu cầu của người dân mua sắm đi lễ đền chùa nhiều. Tuy nhiên giá cũng tăng không quá đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Thời điểm này, giá các loại trái cây cả nhập khẩu lẫn trái cây trong nước tăng nhẹ. Đơn cử, giá bưởi da xanh Bến Tre 100.000-110.000 đồng/kg; na giá 60.000-80.000 đồng/kg; chuối xanh giá từ 50.000-70.000 đồng/nải; xoài cát có giá 55.000-65.000 đồng/kg; thanh long giá 45.000-50.000 đồng/kg...
Tôm thẻ tăng giá trở lại
Ông Lưu Trường Giang, phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) cho biết trên Zing, từ ngày 25/1 đến ngày 5/2, giá tôm thẻ dự kiến tăng 10.000-25.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ.
Theo ông Giang, giá tôm tăng từ mùng 4 Tết là do nhiều doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu đồng loạt khai trương, công nhân đi làm trở lại.
Giá sầu riêng tăng cao kỷ lục
Giá sầu riêng tại miền Tây nước ta đang cao kỷ lục lịch sử. Theo một số nhà vườn trồng sầu riêng tại Cần Thơ, Tiền Giang, từ giữa tháng 1, giá sầu Thái có lúc vọt lên 170.000-190.000 đồng/kg, giá sầu riêng Ri6 tới 140.000-160.000 đồng/kg. Hiện giá sầu riêng đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức 140.000-150.000 đồng/kg, tuỳ loại. Trước kia giá sầu riêng đỉnh điểm cũng chỉ dừng ở mức 105.000 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá sầu riêng tăng cao là do thời điểm này vẫn chỉ là sầu riêng trái vụ, sản lượng khan hiếm. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu lớn.