17h chiều hàng ngày, chị Lê Minh An (sinh sống tại một chung cư tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xách một túi rác lớn xuống sảnh để cho vào thùng rác đặt sẵn. Túi rác lớn của chị chứa đủ các loại rác từ nhựa, thức ăn thừa, giấy, thậm chí cả thủy tinh.
Sinh sống ở đây hơn 5 năm, chị An cho biết tất cả cư dân tại chung cư nêu trên chưa từng được thông báo về việc phải phân loại rác.
Khoảng 17h30 hàng ngày, tại chung cư chị An sinh sống sẽ có nhân viên môi trường kéo xe chở rác đến thu gom rồi đẩy về nơi tập kết. Rác từ thùng rác chung cư được chất lên xe, quá trình này các loại rác cũng không được phân loại mà trộn lẫn vào nhau, chất cao quá đầu người.
Anh Lê Quang Dũng (sống tại chung cư VP5, khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai) cùng chung thực trạng. Toàn bộ rác sinh hoạt trong gia đình được cho vào một ống chứa rác, từ đây rác sẽ vận chuyển thẳng xuống khu vực tầng 1 - khu vực tập kết rác của tòa chung cư.
Tương tự, anh Trần Nam (chung cư VOV Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) cho biết, mỗi tầng chung cư được bố trí một khu vực riêng để cư dân đổ rác. Khu vực này được đặt sẵn một đường ống (có nắp đậy), mỗi cư dân khi có rác chỉ cần mang ra khu vực nêu trên để cho rác vào đường ống. Sau đó, rác sẽ được tập kết tại khu vực tầng 1 rồi được vận chuyển đến nơi xử lý.
Theo anh Nam, ở chung cư chưa có thông báo về việc phân loại rác tại nhà, bản thân gia đình anh vẫn đang để hỗn hợp các loại rác vào một túi nilon rồi đổ đúng nơi quy định.
Dân tự phân loại, không ai tuyên truyền để tránh phạt
Tại một số chung cư cao cấp, ghi nhận của VietNamNet cho thấy quy trình xử lý rác hiện nay cũng chưa phân loại, rác vẫn đổ hỗn hợp.
Anh Nguyễn Anh Nam (chung cư cao cấp tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, việc thu gom rác trong gia đình anh hiện nay chưa được phân loại, tất cả rác sinh hoạt cho vào một túi chung rồi đặt vào thang vận chuyển rác.
Anh Toàn, chủ một nhà hàng tại chung cư Time City cho biết, toàn bộ rác anh cho vào chung vào một túi lớn, sau đó, nhân viên vệ sinh sẽ thực hiện việc phân loại các loại rác (hữu cơ, rác thải nhựa...).
5 năm sinh sống ở chung cư có địa chỉ tại số 47 phố Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân), gia đình chị Đào Lan Hương cho biết, ở dưới khu vực tầng 1 chung cư, ban quản lý đặt các thùng rác khác nhau và ghi rõ loại rác cho vào.
"Chung cư đặt 2 thùng rác cạnh nhau, một thùng rác ghi rõ là rác hữu cơ và thùng còn lại là rác thải nhựa. Gia đình tôi thường chấp hành quy định này, ví dụ các chai nước bằng nhựa chúng tôi đều để vào đúng thùng", chị Hương nói và cho biết, việc phân loại rác từ gia đình đến nay chị vẫn chưa thực hiện được.
Nhiều cư dân sống tại các chung cư cho biết, việc phân loại rác từ nguồn cần được triển khai đồng bộ, có quy trình cụ thể và kĩ thuật, hạ tầng thu gom rác phải đáp ứng điều này. Đặc biệt, khi có quy định xử phạt với người không phân loại rác tại nguồn, các cơ quan, chính quyền cần hướng dẫn tới tổ dân phố, ban quản lý tòa nhà, truyền thông để người dân nắm bắt chủ trương, quy định này. Như hiện nay, người dân không biết và cũng không được tuyên truyền, hướng dẫn.
Một lãnh đạo UBND phường ở Hà Nội cho VietNamNet biết, cho đến ngày 18/7, phường chưa nhận được chỉ đạo từ thành phố hay quận về việc triển khai tuyên truyền người dân phân loại rác thải tại nguồn. Theo lãnh đạo này, việc phân loại rác tại nguồn đã từng được triển khai ở giai đoạn 2005-2010, tuy nhiên kết quả chưa đạt như kỳ vọng.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày TP Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại. Theo thống kê, tính đến năm 2019, thành phố Hà Nội có hơn 300.000 căn hộ chung cư. Với lượng lớn cư dân sinh sống, đây là nguồn phát các loại rác thải khổng lồ.
Từ ngày 25/8, nếu không phân loại chất thải sinh hoạt từ đầu nguồn, không sử dụng bao bì đựng chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500 nghìn tới 1 triệu đồng. Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, nhằm thực thi Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi vừa được ban hành. Theo đó, từ ngày 25/8, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn sẽ bị xử phạt từ 500 nghìn tới 1 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan, tổ chức cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt với tổng khối lượng từ 300kg/ngày trở lên thì sẽ bị xử phạt. Nghị định 45 vừa ban hành quy định: Xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt với tổng khối lượng từ 300kg/ngày trở lên thì sẽ bị xử phạt. - Mức phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi không ký hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải. - Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường. - Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo; phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm là 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. |
Đức Phong