Nghề “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”
Thông tin nữ caddie sân golf BRG Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng) bị người chơi hành hung khiến chị L.N.H.Q. (45 tuổi, TP.HCM) bức xúc. Là một golfer, chị Q. thấu hiểu nổi khổ của caddie và cho rằng, người chơi nên tôn trọng thay vì xem thường, mắng những người đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Chị nói: “Tôi tham gia môn thể thao này chưa lâu nhưng cũng đủ trải nghiệm để hiểu caddie là nghề rất cực khổ nếu không muốn nói là nghề phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Mỗi lần ra sân, các bạn thường dầm mưa dãi nắng phục vụ liên tục các yêu cầu của golfer.
Ngoài một số công việc chuyên môn, các bạn còn phải nhặt bóng, cào cát, lấp đất, lau gậy, che ô, lấy nước, đồ ăn cho khách… Đã vậy, nhiều caddie còn kiêm luôn việc chụp ảnh tự sướng, quay phim… cho khách nữa”.
Cảm nhận được sự vất vả của các caddie, chị H.Q. hiếm khi đặt caddie trước khi đến sân. Chị cũng không chọn lựa một caddie mỗi khi chơi golf. Thay vào đó, chị đến sân và “chờ đợi xem hôm nay mình có duyên với bạn caddie nào”.
Đồng tình với quan điểm trên, golfer tên N.X.V. (50 tuổi, Hà Nội) cho rằng ngoài việc phải có nghiệp vụ golf, chấp hành nội quy gắt gao của nơi làm việc, caddie còn phải hiểu, nắm tâm lý khách hàng. Bởi, mỗi khách có một tính cách nên caddie phải hiểu tâm lý từng khách để phục vụ cho phù hợp.
Anh V. đưa ví dụ: “Đối với khách hàng vui tính, caddie thường vừa làm việc vừa trò chuyện, trêu đùa để khách cảm thấy vui, thoải mái. Ngược lại, gặp khách khó tính, caddie gần như im lặng, chỉ làm việc theo sự sai bảo, yêu cầu từ khách.
Ngoài ra, lúc khách đánh tốt, caddie thường có cách chia vui, tạo hứng khởi cho người chiến thắng. Ngược lại, khách đánh hỏng, caddie cũng tìm lời động viên, vực dậy tinh thần…
Tuy vậy, nhiều caddie vẫn bị khách đổ tội là đặt sai line, thiếu line... khi mình đánh hỏng. Nhiều caddie mới vào làm gặp các lỗi: lấy nhầm gậy, đặt sai line, tư vấn sai về lực... liền bị chửi té tát, thậm chí bị hành hung như có trường hợp đã xảy ra”.
Bạn đồng hành của golfer
Golfer V. cũng cho biết, nhiều caddie phải thức khuya, dậy sớm đến sân đợi khách. Sau đó, các nhân viên này phải phơi mưa phơi nắng phục vụ golfer suốt nhiều giờ đồng hồ.
“Có những thời điểm sân đông khách, một caddie phải làm việc 2-3 ca nên rất mệt. Chưa kể gặp khách mới chơi, đánh kém, đánh bóng bay lên rừng xuống biển, caddie phải đi tìm, nhặt bóng rất lâu”, anh V. chia sẻ.
Các golfer chân chính cũng cho rằng, nhiều caddie chuyên nghiệp vì dành quá nhiều thời gian cho công việc nên không có thời gian chăm sóc bản thân, gia đình. Việc này khiến tình cảm gia đình của họ gặp nhiều thiệt thòi, thậm chí đổ vỡ hạnh phúc.
Anh kể: “Có lần tôi thấy bạn caddie đi làm đúng vào hôm sinh nhật con nên không về dự được. Bạn ấy chỉ có thể tranh thủ lúc chờ đánh giữa 2 hố để lén lút gọi video call cho con. Có lúc khách đánh hăng quá, caddie dẫu có đói cũng không có thời gian nghỉ để ăn nên nhiều người bị bệnh liên quan đến dạ dày”.
Trước sự vất vả của caddie, golfer chân chính đều cho rằng nên trân trọng và có những ứng xử văn minh với người làm trong nghề này. Để lan tỏa thông điệp trên, nhiều nhóm golfer tự thỏa thuận, xây dựng quy định bất thành văn là khi chơi không được mắng, hành hung caddie. Nếu vi phạm sẽ không được tham gia cùng nhóm nữa.
Trong khi đó, anh K.Đ.L., một golfer giàu kinh nghiệm tại Hà Nội lại thể hiện sự trân trọng caddie bằng cách xem những nhân viên này như bạn đồng hành, một phần quan trọng của trận đánh golf kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
Anh nói: “Tôi không bao giờ có quan điểm caddie là người phục vụ golfer. Tôi xem họ là người đồng hành, một phần quan trọng của trận bóng, người sẽ hỗ trợ, cùng tôi trải nghiệm môn thể thao này suốt khoảng thời gian trên sân của mình".
“Trên sân, nếu cần thiết, chúng tôi thường thảo luận cùng nhau trước những cú đánh. Thậm chí, caddie còn giúp tôi lấy lại tinh thần khi đánh hỏng hoặc kiềm chế mức độ hưng phấn không cần thiết, điều sẽ ảnh hưởng đến cú đánh tiếp theo của tôi”.
Với quan điểm này, anh L. luôn lắng nghe những tư vấn của caddie. Trong quá trình chơi golf, anh cũng hạn chế sai vặt caddie và tự làm những việc có thể như tự giữ bóng, chọn gậy, cắm tee (giá nhỏ để đỡ bóng golf)…
Ngoài ra, cũng như chị H.Q., anh V., golfer Đ.L. thường xuyên bồi dưỡng, thưởng thêm cho caddie sau nhiều giờ kéo gậy, cắm tee, đo khoảng cách, đoán hướng gió, đọc line… cho mình. Các golfer này cũng mong muốn không có thêm các trường hợp caddie bị xem thường, hành hung trong tương lai.