Những người đánh giá ẩm thực tích cực và uy tín có thể kiếm được vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng.
LTS: Đánh giá ẩm thực (food reviewer) là một nghề mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm gần đây. Công việc này ngày càng thu hút được nhiều bạn trẻ - những người thành thạo các kỹ năng chụp ảnh, quay phim và hiểu về cách thức lan truyền thông tin trên các nền tảng mạng xã hội.
Cũng giống như nhiều nghề khác, food reviewer cũng có những câu chuyện thú vị, những góc khuất mà chỉ người trong nghề mới biết. VietNamNet xin giới thiệu loạt bài về nghề đánh giá đồ ăn.
Nghề ‘kiếm được’
Sinh năm 1998, Bùi Tuyết Mai (Hà Nội) đã làm food reviewer được 4 năm nay. Cơ duyên đến với công việc này cũng vì Mai hay đi ăn uống với bạn bè, lại có kỹ năng chụp ảnh đẹp. Ban đầu, cô chia sẻ các quán ăn trên Facebook cá nhân chỉ để giới thiệu cho mọi người biết những nơi ăn ngon.
Dần dần những bài giới thiệu của Mai được nhiều người quan tâm, nhận được tương tác tốt. Các chủ nhà hàng, quán ăn mời cô đến ăn thử và đánh giá giúp. Ban đầu, cô chưa lấy tiền của các quán. Sau nhận thấy kỹ năng chụp ảnh, viết lách của mình càng ngày càng lên tay, các bài giới thiệu đều mang lại cho quán một lượng khách nhất định, Mai mới nhận một chút tiền công và vào nghề như thế.
Hiện tại, bên cạnh công việc văn phòng, Mai vẫn nhận đơn khá đều đặn. Mỗi tuần, cô thường sắp xếp để nếm thử và viết bài giới thiệu cho khoảng 5-7 quán ăn, từ món chính cho đến món ăn vặt, đồ uống.
Làm nghề mới được hơn 1 năm, nhưng Nguyễn Trần Phong Vũ (30 tuổi, ở Hà Nội) cũng có hàng triệu lượt like cho các video đánh giá ẩm thực trên TikTok. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Vũ yêu những ngõ ngách và các món ăn ngon của thành phố này.
Công việc chính là tài xế giao đồ ăn cho một ứng dụng gọi xe công nghệ, Vũ có cơ hội được lê la khắp thành phố, gặp nhiều quán ăn ngon mỗi ngày. Sự thuận lợi ấy giúp Vũ có thể sản xuất video đều đặn và đa dạng cho các “khán giả” đang theo dõi kênh TikTok của mình.
Nếu ai theo dõi kênh của Vũ sẽ thường xuyên thấy anh “ưu ái” cho những quán ăn vỉa hè, những món ăn bình dân và là đặc sản của Hà Nội.
Song song với công việc tài xế xe công nghệ, mỗi tuần Vũ đánh giá khoảng 3 quán ăn theo đơn đặt hàng và 1-2 quán mình tự chọn chia sẻ vì yêu thích.
Theo tìm hiểu của PV, mức giá cho một bài đánh giá quán ăn, nhà hàng dao động rất lớn tuỳ theo nền tảng chia sẻ, yêu cầu từ phía chủ quán và đặc biệt là phụ thuộc vào độ nổi tiếng, “chất riêng” của mỗi người đánh giá.
Một bài giới thiệu, bao gồm nội dung và ảnh, đăng trên các hội nhóm Facebook trung bình thường có giá trên dưới 1 triệu đồng. Nếu là video đăng trên TikTok có thể là 2-3 triệu đồng/video, thậm chí có những người đưa mức giá 10-15 triệu đồng/video.
Với các nhà hàng lớn có đội ngũ marketing, yêu cầu thường bao gồm nhiều tiêu chí hơn về ảnh và nội dung. Với các quán ăn vừa và nhỏ, yêu cầu thường chỉ đơn giản là giúp quán được nhiều người biết đến.
Mai cho biết, mức giá của cô và số lượng quán cô nhận đang ở mức trung bình trong ngành đánh giá ẩm thực. “Tôi biết, có nhiều người thu nhập tới vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng/tháng bằng nghề này”.
Hiện tại, Vũ và Mai đều đang làm 2 công việc song song nhưng thu nhập từ nghề đánh giá của họ thường bằng hoặc cao hơn thu nhập từ công việc kia.
Sành ăn, chụp đẹp, viết hay
Theo quan điểm của Mai, để trở thành một người đánh giá đồ ăn tốt, trước hết phải là người có cái miệng sành ăn. “Thậm chí, người đánh giá nên biết nấu ăn để biết món ăn ngon dở ra sao, thiếu sót ở đâu, cái gì nêm quá nhiều, cái gì nêm quá ít…”.
Hai yếu tố quan trọng tiếp theo là kỹ năng chụp ảnh và kỹ năng viết. Thậm chí, ảnh đẹp còn quan trọng hơn viết hay, bởi vì ảnh phải đẹp mắt thì mới khiến người xem dừng lại để đọc nội dung. “Nếu không, người ta cũng chỉ lướt qua giữa vô vàn thông tin hấp dẫn của mạng xã hội” – Mai nói.
Với Vũ – người không dám nhận mình là “food reviewer”, mà chỉ đơn thuần là một người trải nghiệm ẩm thực Hà Nội, anh cho rằng sự chân thật chính là yếu tố thu hút người xem đến với kênh TikTok của anh.
“Là một tài xế công nghệ, tôi ghi lại trải nghiệm thưởng thức những món ăn bình dân như một thực khách bình thường. Tôi không hay dùng những từ ngữ hoa mỹ, hay kỳ công tạo dựng hình ảnh đẹp để bắt mắt người xem. Ví dụ, tôi ăn một suất thì sẽ chỉ gọi một suất như người đi ăn bình thường, chứ không gọi nguyên một bàn đồ ăn cho đẹp để lên hình”.
Vũ cho rằng, sự giản dị và chân thật chính là nét riêng của mình và không muốn mất đi màu sắc riêng ấy.
TikToker này chia sẻ, những đánh giá của anh thường dựa trên tiêu chuẩn phổ thông của đa số thực khách, chứ không dựa trên những sở thích khác biệt của bản thân, không dùng chuẩn của thương hiệu này để so sánh với thương hiệu kia. Ví dụ anh không so sánh phở Thìn với phở Lý Quốc Sư, hoặc nếu chỉ thích ăn phở tái lăn thì không dùng tiêu chuẩn đó để đánh giá phở tái gầu…
“Tôi là người không ăn cá từ nhỏ, nên tôi cũng sẽ từ chối các quán đề nghị đánh giá món cá, chứ không phải vì tiền mà nhận lời tất cả để đưa ra nhận xét không chính xác, thậm chí là gian dối”.
TikToker Lê Ngọc Trung (29 tuổi, ở Hà Nội) - một food reviewer cho rằng, hiện nay nhiều người xem đang mất niềm tin vì tình trạng “khen vống lên”, không đúng thực tế. Thậm chí, có những người không hiểu về ẩm thực, về món ăn đó nhưng vẫn phán bừa, bất chấp để kiếm tiền. Đó cũng là một thực trạng xấu xí trong ngành này.
Bài 2: Nhiều người đánh giá ẩm thực chưa hề ăn thử vẫn viết bài khen nức nở
Bà Cường chậm rãi cuốc đất, trồng rau, nhổ cỏ, nấu ăn… trong tiếng chim chíu chít, lá khua xào xạc. Đồng Văn Hùng, con trai bà, lặng lẽ di chuyển máy quay, bắt trọn hình ảnh bình dị của người mẹ quê.
Cuộc sống giữa rừng cao su của chàng trai quê Bình Phước cứ chầm chậm trôi qua, hòa vào thiên nhiên với chuỗi công việc ‘sáng quay video, tối cạo mủ cao su’.