Xem clip:

Theo dấu đồng hoang

Hoàng hôn đỏ rực phía chân trời. Anh Nguyễn Hữu Phước (45 tuổi, huyện Hóc Môn, TP.HCM) dừng xe nơi cánh đồng hoang rợp cỏ dại ở huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Ngồi bên vệ đường, anh phóng tầm mắt ra phía đồng cỏ xanh rì, tính toán nơi sẽ xuống vợt cào cào. Anh đã làm công việc vợt cào cào bán cho người nuôi chim cảnh suốt 13 năm qua và khấm khá từ cái nghề nghe có vẻ xa lạ này.

{keywords}
Anh Phước ngồi đợi hoàng hôn để xuống đồng cỏ dại vợt cào cào.

Thấy chưa đúng thời điểm để “đi săn”, anh ngồi hóng gió, kể về tháng ngày theo dấu những cánh đồng hoang vợt cào cào thu tiền triệu mỗi ngày. Anh nói: “Cào cào luôn được giới chơi chim cảnh săn đón”.

“So với thức ăn công nghiệp, thịt cào cào tươi sống giúp chim quý khỏe, lông mượt, sung mãn, hót hay hơn. Trước đây, những người như chúng tôi thu nhập hơn 1 triệu đồng/ngày từ việc vợt cào cào là điều bình thường”, anh nói thêm.

{keywords}
Đồ nghề của công việc này chỉ là một cây vợt lớn và một chiếc thùng chứa cào cào.

Bây giờ, ruộng lúa, đồng hoang ngày càng bị thu hẹp. Cào cào hiếm đi thấy rõ. Cánh “thợ vợt” thường xuyên phải rong ruổi trên những cánh đồng hoang tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An…

Thời điểm này, tiết trời nắng nóng, cỏ cháy khô, cào cào càng thêm khan hiếm. Trong khi đó giá xăng dầu lên cao, buộc những người như anh Phước phải toan tính. Anh chỉ dám quanh quẩn tại những đồng cỏ thuộc huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

Anh Phước chia sẻ: “Tháng này, cào cào hiếm, mỗi ngày, tôi đi vợt 2 lần vào buổi sáng và chiều tối. Sáng, tôi đi sớm, khi nắng lên là về ăn cơm. Chiều, tôi thường đi vợt từ 18h tối đến 22 giờ đêm mới về nghỉ ngơi ăn uống”.

{keywords}
Trời đứng gió, mát mẻ, anh quyết định vác vợt xuống đồng cỏ hoang săn cào cào.

Đợi ánh mặt trời cuối cùng khuất sau đường chân trời, anh Phước mới bắt đầu tháo cây vợt lớn được chế từ gậy tầm vông, khung thép và vải mỏng khỏi xe, lội xuống đồng cỏ hoang. Tại đây, anh quơ cây vợt lớn trên ngọn cỏ, bắt trọn tất cả những loại côn trùng bay ra.

Sau ít phút, anh quấn lưới, vác vợt lên bờ, đổ những gì mình bắt được vào trong chiếc thùng hình vuông được bọc bằng lưới inox mắt nhỏ. Lúc này, cơ man nào là cào cào, dế con bay nhảy tung tóe rồi đậu trên nhánh cây anh đã đặt trước bên trong thùng.

Sống khỏe mùa bão giá

{keywords}
Công việc đem lại thu nhập ổn định này chỉ đơn giản là quơ cây vợt, bắt trọn mọi loại côn trùng bay ra.

Chỉ vào con cào cào chưa mọc đủ đôi cánh trên lưng, anh Phước nói: “Những con cào cào non, có kích thước lớn mới có giá. Cào cào già, ốm sẽ không đạt tiêu chuẩn nên giá bán rất rẻ. Đã thế, lần vợt này lẫn vào quá nhiều côn trùng khác. Khuya nay sẽ lựa cực lắm đây”.

Hóa ra, cái cực của nghề này nằm ở chỗ sau khi vợt được cào cào, người săn bắt phải thức trắng đêm phân loại, lựa chọn “chiến lợi phẩm” của mình từng con một. Cào cào được người bán phân thành nhiều loại như: cào cào non đại (cào cào non có kích thước lớn), cào cào non vừa, cào cào mái, già…

Những loại cào cào này có giá khác nhau vì dành cho các loại chim khác nhau ăn. Cào cào già, con cái dành cho các loại chim cảnh không thuộc dòng quý hiếm, đắt giá như chim cưỡng, sáo, nhồng ăn… nên giá rẻ hơn.

{keywords}
Những con cào cào non, có kích thước lớn luôn được giới chơi chim quý săn đón nên có giá bán cao.

Trong khi đó, cào non đại, cào cào non vừa… dành riêng cho các loại chim quý, chim đấu như: Họa mi, chích chòe, chim đột biến... có giá trị cao nên giá thành cao hơn. Sau khi lựa chọn, phân loại, người vợt đong cào cào vào từng bịch nhỏ, mỗi bịch từ 10-15 con tùy kích thước.

Anh Phước chia sẻ: “Chúng tôi không bán cào cào theo kg mà tính theo đơn vị xâu. Một xâu là 1 bịch khoảng 10-15 con cào cào. Nếu bỏ mối thì 2.000-3000 đồng/xâu. Mối bán lại cho người nuôi chim khoảng 5.000 đồng/xâu”.

“Với giá thành như hiện nay, mỗi buổi đi vợt cào cào, sau khi bỏ mối, tôi thu về khoảng 300.000 đồng. Tính trung bình một ngày đi vợt 2 lần, tôi có 600.000 đồng/ngày. So với nhiều công việc khác, ở thời bão giá như bây giờ, vợt cào cào vẫn nhàn nhã và đem lại thu nhập tốt, ổn định”, anh nói thêm.

{keywords}
Hôm nay, anh không vợt được nhiều cào cào. Trong thùng có lẫn nhiều loại côn trùng khác nhau.

Thu nhập từ công việc này giúp anh Phước nuôi 2 đứa con ăn học, chăm lo cuộc sống riêng. Cũng theo anh, với thu nhập như trên, người siêng năng, vợt đều các ngày trong tuần “đều sống khỏe”.

Thậm chí có nhiều người trở thành vựa thu mua cào cào, có cuộc sống ổn định, sung túc.

Tuy vậy, vợt cào cào trông nhàn nhã, dễ dàng nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi ngoài việc phải có tính kiên trì, người làm nghề này cũng cần có kinh nghiệm, nhận biết khu vực có nhiều cào cào.

{keywords}
Anh cố gắng đổi địa điểm vợt...

Những cao thủ vợt cào cào tiết lộ, sau khi “dò” được khu vực có nhiều loại côn trùng này thì nên “vừa vợt vừa giữ”. Nghĩa là sau khi vợt lần đầu, phải đợi 10-15 ngày sau mới tiếp tục thu hoạch.

Đặc biệt, nếu trời nắng nóng kéo dài rồi đổ mưa thì đợi sau 2 tuần mới nên đến vợt. Lúc này, cào cào vừa nhiều vừa non. Những người có kinh nghiệm vợt cào cào đều nắm rõ thời điểm tốt nhất để săn bắt loài côn trùng này vào các tháng cụ thể trong năm.

{keywords}
Dẫu mùa này cào cào hiếm hơn nhưng anh vẫn đảm bảo thu nhập 500.000 - 600.000 đồng/ngày từ việc vợt cào cào.

Tháng 2, tháng 3, họ thường ra bưng biền hoặc bờ sông để vợt. Sang tháng 5, tháng 6, trời có nhiều mưa, cào cào sợ nước, ẩm ướt sẽ lên vùng đất cao, thoáng. Lúc này, người vợt sẽ đến các gò đất hoang tìm cào cào…

“Ngoài ra, thời điểm, vị trí vợt cào cào cũng quyết định chuyến đi có thành công hay không. Tôi thường đi vợt vào lúc sáng sớm và chiều tối. Sáng sớm thì cào cào ra kiếm thức ăn. Còn trời tối, cào cào sẽ không thấy đường nên dễ vợt hơn”, anh Phước chia sẻ thêm.

Bài, ảnh, clip:  Hà Nguyễn

Nghề kỳ lạ: Chê người khác kiếm bộn tiền

Nghề kỳ lạ: Chê người khác kiếm bộn tiền

Có những YouTuber, người tạo nội dung trên mạng đang kiếm tiền từ việc bắt nạt người khác.