Thời gian qua, dư luận liên tục có các ý kiến trái chiều trước thông tin Bộ Tài chính dự định áp thuế tiêu thụ đặc biệt với trò chơi điện tử trên mạng (game online). Cụ thể, trong tờ trình gửi lên Chính phủ, Bộ Tài chính xếp game online nằm chung danh mục với đồ uống có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, thuốc lá điện tử.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, game online là loại hình giải trí có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để định hướng tiêu dùng.
Trước đề xuất của Bộ Tài chính, đã có nhiều ý kiến cho rằng, quan điểm này chưa hẳn đã phù hợp vì nhiều lý do.
Theo ông Đào Quang Tuấn - Phó TGĐ công ty game Funtap, nhìn về mặt tích cực, game online đã được chứng minh sự hiệu quả trong việc giúp người chơi phát triển tư duy, trí tuệ, bên cạnh đó là việc quảng bá hình ảnh văn hóa quốc gia.
Cùng với sự phát triển của Internet, khái niệm game online đang ngày càng thay đổi và sẽ còn thay đổi rất nhanh. Khoảng cách giữa một trò chơi điện tử và phần mềm đang ngày càng thu hẹp lại.
“Làm sao chúng ta có thể phân biệt được người dùng sử dụng game để giải trí hay học tập. Ví dụ phần mềm học tiếng Anh nổi tiếng Duolingo được phát triển dựa trên mô hình lý thuyết trò chơi”, ông Tuấn đặt vấn đề.
Đối với dự thảo áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, Phó TGĐ Funtap cho rằng, ngành game là lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nội dung bằng công nghệ.
“Chúng ta không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với người nghe nhạc nhiều, xem phim nhiều, vậy cũng không nên đánh thuế người chơi game nhiều”, ông Đào Quang Tuấn nói.
Lý giải về góc nhìn của Bộ Tài chính, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, sở dĩ vẫn còn những cái nhìn ác cảm đối với game online, bởi một số vấn đề rủi ro đi kèm. Đó là tình trạng phát hành game lậu, khả năng gây nghiện và tác động tới sức khỏe tinh thần của game online.
Tuy vậy, theo khảo sát của TS Cấn Văn Lực, tựu chung đa số các nước trên thế giới đều chưa đánh thuế với game, kể cả những nước phát triển như Singapore, Mỹ, châu Âu. Thay vào đó, họ đưa ra một số chính sách khác nhằm điều tiết hành vi của người tiêu dùng.
Chia sẻ quan điểm của mình về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online, TS Cấn Văn Lực đề xuất Bộ Tài chính cần hết sức cân nhắc khi áp dụng sắc thuế này.
Nhìn nhận về câu chuyện game online, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội quan tâm đến việc Nhà nước liệu có thực sự cần thiết phải can thiệp hay không.
Nhiều bằng chứng từ các doanh nghiệp, hiệp hội cho thấy việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt không hẳn sẽ tăng được nguồn thu ngân sách do những tác động tiêu cực mà chính sách này mang lại.
Đối với mục tiêu làm giảm tác hại của game online, đây là ngành kinh doanh khác hẳn với rượu bia và thuốc lá, những sản phẩm buộc phải mua bởi các công ty trong nước. Với sự phổ biến của các kho ứng dụng, người chơi có thể tiêu dùng sản phẩm game xuyên biên giới mà không cần ra khỏi nhà.
Với những khả năng trên, mục đích ban đầu của chính sách chưa chắc đã đạt được, trong khi, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tạo ra các tác động không cân xứng, đẩy các công ty game trong nước phải tìm đường ra nước ngoài.
“Nếu phải can thiệp bằng thuế tiêu thụ đặc biệt, câu hỏi đặt ra là tác động mong muốn, mục tiêu đặt ra có đạt được hay không? Chi phí xã hội như thế nào? Nếu mục đích đạt được quá nhỏ mà tác động tiêu cực quá lớn thì không nên áp dụng”, ông Phan Đức Hiếu thẳng thắn nhìn nhận.
Nhìn chung, các chuyên gia đều cho rằng, đang có sự khác biệt về số liệu phát triển lĩnh vực giữa cơ quan quản lý và các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến chưa thể có cái nhìn thấu đáo về mức độ phát triển và đóng góp của ngành game online.
Bộ Tài chính cần có những đánh giá kỹ hơn về thực trạng hoạt động của lĩnh vực kinh doanh game, cả về doanh thu, cơ cấu kinh doanh. Cùng với đó là mức độ tác động của chính sách đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả nhà nước, trước khi quyết định có nên hay không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại hình dịch vụ này.