Juliet (tên thật là Diễm Quỳnh) sinh năm 2000 tại Hà Nội, viết bài hát đầu tiên năm 14 tuổi. Năm 15 tuổi, cô rời Hà Nội tới Mỹ, học ngành Thiết kế đồ họa tại Savannah College of Art and Design. Vừa học, cô vừa miệt mài sáng tác và biểu diễn tại các tụ điểm nhỏ của New York. Hiện tại, Juliet là nghệ sĩ độc lập sở hữu kênh nghe nhạc trực tuyến Spotify với hơn 30.000 người nghe hàng tháng.

Ngày 16/8 tới, nữ nghệ sĩ trẻ sẽ ra mắt sản phẩm mới Perfect Lover và thông báo đổi nghệ danh từ Juliet sang Juliet By Night.

Nguyen_002.jpg
Nghệ sĩ Juliet By Night.

- Chị thường lấy cảm hứng sáng tác các ca khúc của mình từ đâu?

Tôi rất thích đọc sách và thường lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học, hội họa nổi tiếng, cùng trải nghiệm của bản thân để sáng tác.

Khi đọc tác phẩm The Great Gatsby của F. Scott Fitzgerald nói về sự vỡ mộng với giấc mơ Mỹ thể hiện trong văn hóa hẹn hò hiện đại "quá nhanh, quá nhiều và vô nghĩa", tôi viết ra ca khúc American Child.

Hay tác phẩm mới nhất Perfect Lover, tôi lấy cảm hứng từ những thanh niên có tính lăng nhăng và một phần dựa vào nhân vật Daisy Buchanan trong tác phẩm The Great Gatsby. Nhân vật này trong cả câu chuyện được lý tưởng hoá thành một "perfect lover" (người yêu hoàn hảo) nhưng thực tế là một người rất vô tâm. Viết ca khúc này, tôi nhập vai một người đứng ngoài cuộc, nhìn vào những người đàn ông lăng nhăng. Sáng tác hướng tới sự kịch tính, hoành tráng, khi khán giả thưởng thức trên nền tảng số có cảm giác như đang nghe nhạc ở nhà hát. 

Nguyen_004.jpg
Juliet là nghệ sĩ indie sở hữu kênh nghe nhạc trực tuyến Spotify với hơn 30.000 người nghe hàng tháng.

- Tại sao chị đổi từ nghệ danh Juliet thành Juliet By Night?

Trước kia, tôi lấy nghệ danh là Juliet - cái tên rất phổ biến, bạn bè và fan mới tìm trên Spotify/Apple Music rất khó. Vì vậy tôi đổi thành Juliet By Night.

Nhưng có hai lý do cơ bản nhất của việc đổi nghệ danh này. Thứ nhất, vì ngày bé bố thường mua CD Paris By Night cho tôi xem nên ấn tượng với cái tên đó. Thứ hai, cá nhân tôi là nghệ sĩ nhưng cũng là người bình thường, ban ngày đi làm kiếm tiền, đêm đến hoá thân thành “Idol” trên sân khấu. Vì thế, ban ngày tôi là Diễm Quỳnh, còn đêm sẽ lấy nghệ danh Juliet By Night. 

- Con người ban ngày là Diễm Quỳnh, ban đêm là Juliet By Night có gì giống và khác nhau?

Diễm Quỳnh thích mặc áo rộng, quần thụng, mang giày thể thao đi làm cho thoải mái, sống hướng nội, nói nhỏ, ai bảo gì nghe thế vì phận làm công ăn lương (cười).

Juliet By Night thích mặc váy ngắn, đi giày cao gót, nhảy nhót bao lâu cũng không chán, thích tấu hài và lắc hông trước khán giả, khẩu khí hoành tráng, rất hướng ngoại. 

Khi lên sân khấu, Juliet By Night làm chủ tất cả mọi thứ. Từ kỹ thuật, âm thanh và ban nhạc… phải nghe lời cô ấy.

Diễm Quỳnh rảnh sẽ may, sửa quần áo cho Juliet By Night mặc về đêm. Những chuyện Diễm Quỳnh trải qua hoặc nhìn thấy, Juliet By Night sẽ chuyển thể thành nhạc.

- Cảm giác hai tính cách khác nhau trong cùng một cơ thể, với chị nó thú vị như thế nào?

Mục đích cuộc đời tôi là âm nhạc chứ không phải mỗi việc đi làm kiếm ăn hàng ngày. Vì thế, tôi thực sự hạnh phúc vì được sống 2 cuộc đời trong ngày. 

Tuy nhiên, đôi lúc tôi cũng rất mệt mỏi khi có ít thời gian nghỉ ngơi, vì từ thứ 2 đến thứ 6 đi làm, thứ 7 thu âm, Chủ nhật chụp hình, tối sửa ảnh, video, sáng tác nhạc, viết nội dung quảng cáo... Nghệ sĩ indie nào chưa sống được bằng tiền từ âm nhạc cũng sẽ hiểu điều này.

- Là người Việt sống ở Mỹ, bản sắc văn hóa Việt trong âm nhạc của chị chiếm bao nhiêu phần trăm?

Tôi hay viết nhạc Âu Mỹ, thi thoảng sẽ viết về văn hoá Âu Mỹ dưới góc nhìn của người nước ngoài. 

Vừa sáng tác, tôi kiêm luôn giám đốc sáng tạo cho các MV nên chú trọng thể hiện sự song hành và tương phản giữa văn hóa Việt Nam và Mỹ.

Đĩa đơn Any Other Way đưa ra một cảnh tượng vừa thân quen vừa xa lạ: Một cô gái bày hàng ăn Việt với ghế nhựa, mâm nhôm giữa ga tàu điện ngầm ở New York. Đây là ẩn dụ giúp khán giả thấu hiểu cảm giác lạc lõng của nhiều người Việt xa xứ, muốn hòa nhập với xã hội Mỹ nhưng luôn tìm kiếm những thứ chỉ có ở quê nhà.

Tôi thấy nhạc sĩ Việt Nam viết nhạc cũng không nhất thiết phải đưa văn hoá dân tộc vào. Cộng đồng nghệ sĩ Việt ở nước ngoài cũng vậy. Chúng ta nên đa dạng hoá, luôn đổi mới, lấy cảm hứng từ văn hoá Việt và cuộc sống cá nhân nhưng không nên dùng nó làm nạng chống, ỷ lại vào đó, thiếu sáng tạo.

Nguyen_006.jpg
Juliet By Night chú trọng thể hiện sự song hành và tương phản giữa văn hóa Việt Nam và Mỹ trong các MV.

- Chị thấy ánh nhìn của người Mỹ về nghệ sĩ indie Việt Nam như thế nào?

Tôi là bạn và cũng hâm mộ nhiều nghệ sĩ Việt như Vũ Thanh Vân, VSTRA, Nghi, Táo, Trang... Họ rất sáng tạo. Người Mỹ thường thưởng thức các sản phẩm văn hoá Âu - Mỹ nhưng cũng có vài dịp tôi "bắt" các bạn nghe Tlinh, Vũ Thanh Vân, Obito... và chưa ai chê cả.

Rào cản ngôn ngữ thường khiến khán giả Âu - Mỹ (đặc biệt những nước ngoài nói tiếng Anh) ngại nghe/đọc từ những văn hoá khác. Tôi hy vọng sắp tới có thể hợp tác với một vài nghệ sĩ Việt viết những sản phẩm tiếng Anh hoặc nửa Việt nửa Anh nhằm tiếp cận đa dạng khán giả.

- Theo chị, nghệ sĩ Việt cần những yếu tố gì để vươn tầm thế giới?

Để phát triển sự nghiệp âm nhạc, nghệ sĩ cần sự hỗ trợ từ ngành. Nghệ sĩ Việt muốn vươn ra thế giới phải có chiến lược quảng bá đúng khán giả và quy mô.

Những hãng đĩa, công ty quản lý ở Mỹ thường sẽ ưu tiên người viết nhạc bằng tiếng Anh. Nghệ sĩ Việt nếu muốn hát tiếng Việt cho khán giả quốc tế, như các sao K-pop, không thể chỉ dựa vào sự ủng hộ ban đầu của các công ty nước ngoài.