Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang phối hợp với huyện Na Hang (Tuyên Quang) vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh di sản; đồng thời góp phần cổ vũ, tuyên truyền, khôi phục các giá trị tốt đẹp về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói chung và huyện Na Hang nói riêng.
Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ ở các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang có từ lâu đời, thể hiện sự tài hoa, tinh tế và thẩm mĩ của người Dao.
Người Dao đỏ đã sáng tạo và gửi gắm vào trang phục truyền thống của mình nếp sống cộng đồng thông qua nghệ thuật trang trí tài hoa, tinh tế, đạt trình độ cao của thẩm mỹ dân gian, một đời sống tâm hồn giàu chất mỹ cảm nguyên sơ mà phong phú.
Trang phục truyền thống của đồng bào Dao đỏ là một trong những trang phục được trang trí hoa văn phong phú, đa dạng nhất trong các tộc người ở Tuyên Quang. |
Trang trí trang phục là sản phẩm của nghệ thuật và kỹ thuật được thể hiện qua từng yếu tố cấu thành nên bộ trang phục, như áo, yếm, quần, dây lưng, khăn.
Đồng bào dân tộc Dao đỏ ở Tuyên Quang bao đời nay luôn tự hào về trang phục truyền thống của tộc người mình. Hiện nay, tại các bản làng nơi đồng bào Dao đỏ sinh sống, nhiều phụ nữ Dao vẫn tự tay làm trang phục cho mình và cho người thân trong gia đình.
Qua đó, trang phục và nghệ thuật trang trí trên trang phục đã thực sự trở thành những thành tố quan trọng và cấu thành nên văn hóa của người Dao đỏ. Các mô-típ hoa văn được trang trí vô cùng tinh tế, bố cục chặt chẽ, hòa sắc rực rỡ và mang tính đặc trưng riêng.
Nghệ thuật trang trí này gắn với truyền thuyết về con long khuyển mình rồng ngũ sắc, biến thân của Bàn Hộ (tổ tiên của người Dao Đỏ) cứu nước của Bình Vương khỏi sự hủy diệt của Cao Vương. Vì vậy, trang phục cầu kỳ từ cách cắt khâu đến hoa văn, cách tạo hình và đặc biệt là màu sắc trang trí nhất thiết phải có đủ năm màu cơ bản: đỏ, trắng, vàng, xanh, chàm hoặc đen.
Cắt may, trang trí trang phục truyền thống là tiêu chí quan trọng để đánh giá tài năng, vẻ đẹp và phẩm hạnh của người phụ nữ. Từ khi lên mười tuổi, bé gái Dao Đỏ được các bà, các mẹ dạy cho cách kéo sợi, dệt vải, cắt may và thêu thùa. Sang tuổi 15, hầu hết họ biết tự làm cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để tham dự các ngày lễ hội, chợ phiên ở thôn bản. Để làm ra một bộ trang phục, người Dao Đỏ ở Tuyên Quang tham gia vào quá trình trồng bông, dệt vải, trồng chàm, nhuộm chàm, cắt may, trang trí…
Bông được thu hoạch vào tháng bảy, tám (Âm lịch). Quả bông được phơi sương, nắng cho nở ra rồi đem cán tách hạt và bông. Sợi bông luộc qua nước sôi cho sạch rồi đem hồ với nước cháo ngô (hoặc cháo gạo nếp, tẻ), nấu trong nửa ngày thì vớt ra đem sợi phơi khô, sau đó đánh thành con chỉ để dệt thành vải.
Để nhuộm vải, đồng bào dùng cao chàm được làm từ việc ngâm cây chàm, lọc, cho thêm vôi bột, nước tro bếp. Khi làm cao, phải thực hiện một số kiêng cữ như: Không chế biến cao chàm ở trong nhà mà phải làm trong một cái lán nhỏ cạnh nhà; không chế biến khi nhà có lợn, trâu, bò đẻ hoặc phụ nữ có thai đi qua lán. Cao chàm được hòa tan với nước đun sôi cùng lá ngải để nguội, pha thêm ít nước tro và rượu, khuấy đều. Để vải có màu đẹp và bền, đồng bào nhuộm vào tháng 7, tháng 8 vì thời điểm này tiết trời khô ráo, vải mau khô và bắt màu tốt. Trước khi nhuộm phải đem ngâm thật kỹ để hết hồ thì lúc nhuộm mới dễ bắt màu và không bị loang lổ. Khi nhuộm, tấm vải được nhấn chìm trong nước, dùng chân đạp thật kỹ để vải thấm màu chàm. Ngâm vải khoảng 1 giờ, rồi đem phơi khô. Để vải có màu chàm như ý thường phải mất 20 ngày trở lên để nhuộm và phơi khô nhiều lần....
Vải được cắt, may, khâu và được trang trí theo giới tính, độ tuổi, theo tín ngưỡng (cho thầy cúng). Người phụ nữ được tự do sáng tạo mô-típ hoa văn, cách tạo hình, màu sắc trang trí nhưng phải tuân thủ về bố cục trang trí như: Thân trước và thân sau áo dài, áo ngắn; quanh hông, từ đầu gối xuống gấu quần, mặt khăn đội đầu… trên y phục nữ và phần gấu áo, gấu quần, phần lai trước ngực trên y phục nam.
Trang phục nữ, trong đó áo dài được trang trí tập trung ở viền nẹp ngực, tà áo, đầu ống tay áo. Nẹp ngực được đáp dải vải hoa văn với hình dấu chân hổ, hình cây cỏ, sóng nước, quả thông, hoa bông, họa tiết ghép vải hình răng cưa và đính các quả bông len đỏ. Tà áo thêu hoa văn hình sóng nước, cây cỏ màu trắng, xanh, đỏ, vàng; ở nơi xẻ tà của áo đính một dải băng ngang quả bông, tua rua len, hạt cườm. Đầu ống tay áo được đáp các dải hoa văn thêu sẵn, hình cây cỏ, dấu chân hổ, răng cưa, quả trám, thập ngoặc hoặc ghép vải in hoa văn màu đỏ. Yếm được trang trí cả ở thân trước và thân sau bằng kỹ thuật thêu chỉ màu đỏ, vàng, xanh và đính hoa văn bằng bạc. Quần được thêu ở 2 ống rất tỉ mỉ với hoa văn hình vuông, chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng; bên trong các hình đó là hoa văn cây thông, quả trám, sóng nước, dấu chân hổ, con hến, dấu nhân, ông sấm to; phân cách giữa các hình là các đường chỉ thêu màu đỏ, trắng. Khăn vấn đầu được thêu hình hoa cây bông, cây vạn hoa, hình cách đoạn, vết chân hổ, chữ thập ngoặc bằng chỉ màu vàng, trắng, đỏ, xanh. Khăn đội đầu trang trí hai đầu khăn các họa tiết hoa văn hình cây cỏ, thập ngoặc, răng cưa, hoa bạc, hoa chéo. Dây lưng màu đỏ không có hoa văn.
Khăn trùm đầu cô dâu thêu nhiều loại hoa văn hình cây cỏ, cây thông, dấu chân hổ, hoa bông, hình chim… Diềm khăn đính một hàng tua rua bằng len màu đỏ, xanh, vàng che kín mặt cô dâu. Tạp dề cô dâu, mỗi cạnh được viền bằng các đường thêu hoa văn hình cây cỏ, chữ thập ngoặc; gấu thêu hoa văn hình cây bông, dấu chân hổ, thập ngoặc; trên cùng thêu hoa văn hình cây thông, hoa cây thông, gắn hoa văn hình con ngựa, người mặc váy. Khi diện y phục, phụ nữ Dao Đỏ còn đeo trang sức bằng bạc, gồm: Vòng cổ, vòng tay, hoa tai, xà tích.
Y phục nam nói chung giản dị về màu sắc, cách tạo hình, kiểu cách, trang trí chủ yếu trên áo và khăn đội đầu. Áo được trang trí bằng những đường viền bằng vải màu đỏ hoặc ghép vải hoa đỏ ở ống tay, quanh gấu áo, phần xẻ tà ở gấu áo. Phần lai trước ngực áo là mảnh vải hình chữ nhật được thêu kín hoa văn, thường là các mô-típ như hoa chéo, chữ thập, dấu nhân, cây cỏ, quả thông, dấu chân hổ, hoa cây bông và các đường chỉ thêu nằm ngang, dọc bằng màu đỏ, trắng. Bên phải của nách áo được đính 5 khuy bạc nhỏ bằng hạt ngô. Khăn đội đầu trang trí giống khăn của nữ giới.
Y phục nam nữ của trẻ em được cắt khâu, trang trí như áo, quần của người lớn nhưng ít hoa văn hơn; ở gấu quần, gấu áo, cổ áo, tay áo thường viền vải màu đỏ, hoặc ghép vải in hoa văn màu đỏ. Mũ được tạo bởi 8 mảnh vải hình tam giác cân, các cạnh xiên của tam giác được đính lại với nhau thành hình chóp. Các mảnh vải thêu kín hoa văn, thường là các mô-típ như hình cây cỏ, hoa cây thông, hoa cây bông, cây Tam Thanh, màu xanh, trắng, vàng. Chóp mũ và viền mép mũ hai bên đính một quả bông len màu đỏ, mũ trẻ em nữ đính thêm các tua rua len rủ xuống xung quanh mũ. Quai mũ làm bằng chuỗi hạt cườm màu xanh, đỏ, tím, vàng.
Áo thầy cúng, viền quanh nẹp ngực là những túm len nhỏ màu đỏ hoặc can vải màu đỏ, hai thân trước và thân sau thêu kín hoa văn hình các vị thần linh, hoa mặt trời, cây tam thanh, hình người, ngựa, rồng, chim, núi. Ngày nay, áo được làm bằng vải dệt công nghiệp màu đỏ (hoặc vải dệt công nghiệp in hoa, chim công, màu đỏ), không thêu hoa văn trang trí. Mũ được làm bằng giấy bồi hoặc vải, thêu hoặc vẽ hình rồng chầu mặt trời, phượng chầu mặt trăng và các họa tiết quanh viền mũ.
Tình Lê