Tại Hội thảo Phòng ngừa tự sát ở trẻ vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, chiều 7/4, BSCK2. Nguyễn Hoàng Yến, Phòng trẻ em và thanh thiếu niên, cho biết, tự sát là một vấn đề xã hội quan trọng trên toàn thế giới.
Năm 2012, hơn 800.000 bệnh nhân tự sát trên toàn cầu, trong đó ở các nước thu nhập trung bình và thấp chiếm 75%.
Ở Mỹ, tự sát là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở lứa tuổi 10-19 tuổi. Ở Việt Nam, tự sát là 1/10 trong nguyên nhân tử vong ở mọi lứa tuổi.
Nghiên cứu của Tổ chức Blum (năm 2012) tại Hà Nội, tỷ lệ có ý tưởng tự sát và toan tự sát ở 15-24 tuổi là 2,3%. Trong đó, nhóm tuổi 15-19 tuổi ghi nhận tỷ lệ có yếu tố tự sát và toan tự sát cao hơn nhóm 20-24 tuổi.
Nghiên cứu năm 2020, trong số 6.407 học sinh 13-17 tuổi, 11% các em có ý tưởng tự sát trong vòng 1 năm qua.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, thông tin, trên 98% người muốn tự sát bị rối loạn tâm thần. “1 trường hợp tự sát ảnh hưởng ít nhất đến 6 người khác. Chúng ta phải kết hợp đa ngành, đa nghề, đa chuyên khoa để chia sẻ, hỗ trợ cho bệnh nhân. Đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội”, PGS.TS Tuấn nói.
Cũng theo PGS.TS Tuấn, trước đây tại một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… có làn sóng bắt chước hành vi tự sát. Tức là người bệnh đọc tin tức về các nghệ sĩ tự tử từ đó có hành vi tương tự. Vì vậy việc quản lý thông tin trên mạng cũng là vấn đề chúng ta cần lưu ý.
Ngoài ra, về tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho thanh thiếu niên, không bắt buộc phải là các bác sĩ, chuyên gia, mà phụ huynh, giáo viên cũng cần có kiến thức phát hiện để hỗ trợ cho trẻ về tâm lý, nhận biết các yếu tố nguy cơ từ đó ngăn chặn hành vi trẻ tự sát.
Tại Hội thảo, BSCK2. Hồ Thu Yến cũng chia sẻ về một trường hợp được can thiệp bởi các bác sĩ Viện sức khỏe Tâm thần là nữ sinh T.H (SN 2007, Hà Nội), chẩn đoán rối loạn hành vi trầm cảm.
Quá trình học tập từ lớp 1 đến lớp 6, bệnh nhân học lớp thường, học lực giỏi. Từ năm học lớp 7, nhà trường thi tuyển lớp chọn, H. thi đỗ và vẫn duy trì được học lực giỏi.
Từ hè năm lớp 8 và lớp 9 do dịch phải học online nên khối lượng bài vở nhiều hơn, tốc độ giảng bài của giáo viên nhanh hơn, em không theo kịp bài giảng. Vì vậy kết quả các bài thi của H. không tốt, chỉ được điểm khá.
Trước năm lớp 7, bệnh nhân vẫn có các bạn trong lớp nhưng không có bạn thân. Bạn cùng bàn chỉ nói chuyện với H. khi chỉ có 2 người với nhau, khi trước mặt các bạn trong lớp thì xa lánh. Ở lớp, H. hay bị các bạn khác trêu chọc, chê bai (đồ dùng học tập cũ, quần áo, giày dép fake…). Em cũng không tự tin về thình thể bản thân, luôn nghĩ rằng mình béo và xấu (156cm, 53kg).
Từ khi học online, sự tương tác với thầy cô, các bạn ngày càng ít hơn, các bạn không thích chơi với H. khiến em càng chán nản buồn phiền. Thay vào đó, bệnh nhân kết bạn với bạn trên mạng. Trong giờ học, H. không tập trung học tập, mà chat với bạn trên mạng, xem tictok.
Mẹ gây áp lực bắt bệnh nhân học nhiều, ngoài học trên trường cả 2 buổi, em còn đi học thêm. Hậu quả, nữ sinh này sợ học, sợ đến lớp, sợ nói chuyện với bạn, hay lấy lý do mệt để không học zoom.
Do học tập giảm sút, mẹ đã nhờ cô giáo cho H. đến nhà cô học, các bạn trong lớp biết chuyện đã tẩy chay em. H. có yêu bạn trên mạng, dù chưa gặp mặt, em đã tiêu tốn rất nhiều thời gian trò chuyện với người yêu.
Khoảng 10/2021, H. càng chán nản, hay khóc lóc và tự bi quan, có ý tưởng muốn chết. Bệnh nhân giải tỏa căng thẳng bằng cách dùng mảnh thủy tinh cứa vào cổ tay, chảy máu. Sau khi làm đau bản thân, em thấy dễ chịu. Vào viện tháng 3/2022, H. được đưa đến một bệnh viện và điều trị bằng thuốc chống trầm cảm.
Đến 21/2, các triệu chứng của bệnh nhân nhiều hơn, H. thường xuyên cứa tay làm đau bản thân, ngủ không sâu giấc, gia đình đưa bệnh nhân ra điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai được chẩn đoán rối loạn hành vi trầm cảm có yếu tố tiền sử.
Điều trị được 13 ngày, H. mắc Covid-19, nên gia đình xin ra viện về cách ly và điều trị tại nhà, bệnh nhân uống thuốc theo đơn, các triệu chứng không thuyên giảm nhiều. H. lo lắng về việc mình mắc Covid-19 và biểu hiện hậu Covid.
Triệu chứng rối loạn càng nặng hơn, H. thường xuyên nghe tiếng nói trong đầu sỉ nhục và bảo em phải chết, đồng thời em thấy mình ngày càng vô dụng, hèn kém và là gánh nặng cho bố mẹ. H. được đưa vào viện lần nữa và được chẩn đoán: Hội chứng trầm cảm, yếu tố tiền sử, hành vi tự hủy hoại.
Sau vụ nam sinh THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tự tử, H. thường xuyên đọc tin tức. Em nói thấy “Đám mây đen quanh đầu”, chán nản và khóc nhiều. Nhưng lúc này, bạn bè đã thay đổi. Từ tẩy chay, các bạn quay ra động viên, giúp bệnh nhân thoải mái, yên tâm điều trị hơn. Cùng với sự điều trị của các bác sĩ, hiện H. cảm thấy dễ chịu, cởi mở hơn với người xung quanh, giảm ý định tự sát.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, chia sẻ thêm, sự quan tâm của gia đình, nhà trường và bạn bè là chìa khóa giúp các bệnh nhân vượt qua những vấn đề về tâm lý.
Hiện Viện Sức khỏe Tâm thần cũng thành lập số hotline tư vấn, hỗ trợ nhằm ngăn ngừa trẻ có hành vi tự sát. Số điện thoại 0984.104.115 sẽ hoạt động từ 7h30 đến 22h hàng ngày.
Ngọc Trang