Năm học vừa kết thúc, chị Nhàn cho các con nghỉ ngơi, ăn chơi ở Hà Nội chục ngày, sau đó lên kế hoạch cho các con về quê đến hết tháng 7.
Hôm qua, sắp xếp đồ đạc xong xuôi, chị Nhàn bàn giao 2 đứa con cho chồng để anh đưa bọn trẻ về quê nghỉ hè với ông bà nội. Theo dự kiến, 2 đứa sẽ ở quê nội Hải Dương 1 tháng, sau đó lại sang ông bà ngoại ở Bắc Giang nửa tháng nữa, vừa kịp hết 2 tháng hè.
Nhà đông con lại đẻ sát nhau, năm nào chị Nhàn cũng cho 2 đứa lớn về quê nghỉ hè dài ngày. Đứa nhỏ nhất mới 5 tuổi thì ở lại Hà Nội với bố mẹ vì sợ ông bà già chăm cháu nhỏ vất vả quá. “Hai đứa lớn - một đứa 8 tuổi, một đứa 10 tuổi - đã khá tự lập nên có thể cho về quê với ông bà dài ngày. Chúng nó về chơi, ông bà vui mà bản thân các con lại rất thích vì ở quê có sân vườn rộng, được nô đùa, chạy nhảy, không bị giam trong 4 bức tường như ở thành phố”, bà mẹ 3 con chia sẻ.
“Bọn trẻ thích nhất là được bơi trong cái bể bơi nhỏ bằng phao. Ở Hà Nội thì nhà chật, không đặt được bể như thế”.
Mỗi lần con ở quê lên, chị Nhàn thấy các con tự lập hơn hẳn. “Ở Hà Nội thì còn dựa dẫm bố mẹ, chứ về quê chỉ có ông bà, phải tự làm mọi thứ”.
Cùng quan điểm nghỉ hè về quê là nhất, chị Minh Hằng (Hà Nội) cho biết, sang tháng 7, bé 5 tuổi nhà chị cũng sẽ về quê nghỉ hè đến hết tháng 8, tức là tới tận 2 tháng ở quê. Dù con còn nhỏ nhưng năm nào chị cũng cho bé Chili về quê khoảng 1-2 tháng. Đặc biệt, trong 2 năm dịch bệnh, bé ở quê khá nhiều - có đợt tới nửa năm.
“Mấy ngày đầu, bé cũng ỉ ôi khóc lóc nhưng giờ thì thích về lắm. Suốt ngày hỏi mẹ bao giờ nghỉ hè để được về quê. Buổi tối, bố mẹ gọi điện có khi còn không muốn nói chuyện vì bận chơi với anh. Ở quê, bạn ấy chơi với anh nhà bác năm nay 6 tuổi, sân vườn rộng rãi nên có thể bày nhiều trò”.
Ở quê, bé Chili còn có những trải nghiệm hiếm có mà ở Hà Nội không thể có được: tưới cây, nuôi mấy con vật nhỏ như: chó, mèo, thằn lằn, thạch sùng, châu chấu, thỏ… Ông bà lại hay cho ra đồng ruộng, vườn, rừng cạnh nhà chơi, suốt ngày được gần gũi thiên nhiên. Nhờ thế mà Chili rất yêu cây cỏ, động vật.
Chị Hằng nói: “Nhìn chung về quê có nhiều cái lợi: vui chơi thoải mái, không khí trong lành, bố mẹ lại có thời gian nghỉ ngơi”.
Đặc biệt, điều chị rất ưng ý là khi con về quê, sinh hoạt theo giờ giấc của ông bà nên ngủ sớm, dậy sớm, rất tốt cho sức khoẻ. Thời gian này chị đang có bầu bé thứ 2 nên việc con về quê với ông bà cũng giúp chị có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.
Giống như chị Hằng, chị Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng thường xuyên cho con về quê dài ngày, đặc biệt là vào dịp nghỉ hè và đợt dịch bệnh. Suốt giai đoạn dịch bệnh năm ngoái, chị cho con về tới 3-4 tháng, học online luôn ở quê. Dịp hè năm nay, chị cũng cho con về quê cả tháng 7 sau khi đã tổ chức đi du lịch gia đình, du lịch cùng công ty bố mẹ xong xuôi.
“Ông bà vẫn còn minh mẫn, khoẻ mạnh nên có thể chăm cháu rất tốt. Ông từng là viên chức nên cũng đủ khả năng hướng dẫn cháu học và chơi nhiều trò chơi khoa học. Vì thế, con không bị chán khi về quê. Quê ở gần nên vợ chồng mình tranh thủ 1-2 tuần về thăm con một lần để con đỡ nhớ bố mẹ”.
Chị Vân chia sẻ, chị cũng biết hiện nay có rất nhiều trại hè thú vị cho trẻ xuyên suốt hè, nhưng chị vẫn lựa chọn cho con về quê. Lý do đầu tiên là vì con thích, thứ hai là chị thấy học phí các trại hè bây giờ khá cao so với khả năng tài chính của gia đình. “Phần nữa là khi con về quê cũng được trải nghiệm rất nhiều, thậm chí còn chất lượng và thực chất hơn là tham gia một số hoạt động trại hè hay đi dã ngoại kiểu ‘cưỡi ngựa xem hoa’”. Vì tất cả những lý do trên, bà mẹ này cho rằng về quê nghỉ hè là lựa chọn “chân quê” và phù hợp nhất với gia đình cũng như mong muốn của con.
“Cho con về quê cũng là dịp bố mẹ như được đi ‘nghỉ dưỡng’, có nguyên 1-2 tháng trăng mật. Như nhà mình, khi con về quê, buổi tối 2 vợ chồng thoải mái đi cà phê, xem phim, gặp gỡ bạn bè có thể muộn một chút. Mình nghĩ nếu có điều kiện, các phụ huynh rất cần những quãng nghỉ như thế này để dành nhiều thời gian hơn cho bản thân. Khi bản thân bố mẹ được tiếp thêm năng lượng, được thư giãn thì sau đó các con cũng sẽ được chăm sóc tốt hơn”.
Nguyễn Thảo
Ảnh: NVCC