Luôn mặc áo sơ mi trắng cỡ rộng và bộ vest đen khi đi làm, Tan Ting là một luật sư tiêu biểu của Trung Quốc. Hàng ngày, cô tư vấn cho khách hàng, tham dự các hội nghị đào tạo, đồng thời làm các video ngắn và tổ chức các buổi phát trực tiếp để truyền bá kiến thức pháp luật.
Cô chính là nữ luật sư khiếm thính đầu tiên và duy nhất ở Trung Quốc. Mới ngoài 30 tuổi, cô đã có kinh nghiệm nhiều năm làm việc trên tuyến đầu giúp đỡ cộng đồng người khiếm thính ở đất nước tỷ dân, theo Sixthtone.
Nghị lực sống phi thường
Tan Ting đến từ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) từng gây xôn xao khi vượt qua kỳ thi tư pháp quốc gia khốc liệt. Những nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn và cuộc đấu tranh để tự quyết định số phận chính mình của cô gái khuyết tận thu hút sự quan tâm của công chúng.
Khi Tan bắt đầu làm việc tại công ty luật với tư cách là một trợ lý pháp lý, cô bị choáng ngợp trước số lượng người khiếm thính tuyệt vọng tìm kiếm sự giúp đỡ.
Cô chia sẻ: "Tôi thấy vô số ánh mắt đổ dồn về phía mình, nhưng tôi không thể giúp gì được. Đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan tôi thấy còn khó hơn là chiến đấu với thử thách của chính mình".
Lớn lên từ ngôi làng xung quanh là những ngọn núi, Tan bị mất thính lực từ năm 8 tuổi sau tai nạn y tế khi điều trị viêm tai giữa. Dần mất, cô mất khả năng nói và không thể đến trường. "Khi còn nhỏ, tôi nghĩ mình là người duy nhất trên thế giới không nghe được", Tan chia sẻ.
5 năm sau, cô may mắn bắt đầu đi học trở lại. Cha mẹ cô tìm thấy một ngôi trường dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt ở thành phố cách nhà 5 giờ đi xe. Kể từ đó, việc học trở thành nhiệm vụ duy nhất của Tan.
Xung quanh cô, bạn bè bỏ học để đi làm hoặc kết hôn để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Nhưng cha mẹ cô quyết tâm đưa con gái đi học, để cô khám phá thế giới rộng lớn.
Cha mất khi cô học đại học vì căn bệnh ung thư. Đến năm 2020, khi cô đang chuẩn bị cho kỳ thi tư pháp lần thứ 3 thì mẹ cũng phát hiện ung thư. "Đó là lần duy nhất trong đời tôi thực sự muốn bỏ học", Tan nói.
Một tuần trước kỳ thi quốc gia, bệnh tình của mẹ đã chuyển sang giai đoạn cuối. Cô rất nản và muốn từ bỏ nhưng câu nói của mẹ khiến Tan phải suy nghĩ. Mẹ nói: "Hãy sống vì mình và vì xã hội, đừng sống vì mẹ nữa". Mẹ cô qua đời vài tháng sau đó.
Cô đỗ kỳ thi quốc gia, trở thành luật sư. Kết quả mà người trong nghề mô tả là "phép lạ". Nó chứng minh rằng người khiếm thính cũng có thể trở thành luật sư.
3 năm kể từ khi cô ấy đạt điểm cao trong kỳ thi tư pháp quốc gia, Tan vẫn tiếp học học hỏi, trau dồi kiến thức. Lần này, cô học các ngôn ngữ ký hiệu khác nhau và sử dụng phần mềm chuyển âm thanh thành văn bản để hỗ trợ khách hàng tốt hơn.
Do chưa có hệ thống hỗ trợ nên cô vẫn chưa thể tranh luận trước toà. Nhưng những nỗ lực truyền bá nhận thức pháp luật cho người khiếm thính của cô ở Trung Quốc cũng rất quan trọng. Cô làm video và tổ chức các buổi phát trực tiếp, giáo dục trên các nền tảng mạng xã hội lớn.
Cô lạc quan tin vào tương lai. "Sẽ có nhiều người xuất sắc hơn giúp đỡ cộng đồng và nhiều người khiếm thính cũng đang cố gắng vượt qua giới hạn bản thân họ", Tan nói.
Thấu hiểu, cảm thông và giúp đỡ
Nhận thấy những người khiếm thích vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu và tuân theo pháp luật, cô gái trẻ muốn giúp đỡ cộng đồng của mình. Tan nói: "Trình độ hiểu biết thấp, thiếu khả năng tiếp cận luật pháp, dẫn đến nhận thức pháp luật của người khiếm thính còn hạn chế".
Là luật sư, Tan từng giúp khách hàng khiếm thính bị bắt nạt, lừa đảo. Cô ấy đã cho một người bạn cùng lớp vay hơn 100.000 nhân dân tệ (khoảng 14.500 USD) để đánh bạc. Nhưng khi cô yêu cầu bạn trả tiền thì người bạn đe dọa sẽ tố cô với cảnh sát vì tội danh thông đồng.
Nhiều lúc, Tan phải giải quyết những vấn đề mà không luật sư nào phải làm. "Nhiều người khiếm thính đến nhờ luật sư gọi giúp cảnh sát", cô vui vẻ nói.
Sự thiếu nhận thức về pháp luật của người khiếm thích thể hiện rõ trong các video hỏi đáp ngắn của cô. Những câu hỏi cô thường gặp hầu hết về các vấn đề cơ bản, tế nhị xung quanh cuộc sống thường ngày như cha mẹ chồng can thiệp vào hôn nhân, liệu có được ép buộc quan hệ tình dục trong hôn nhân hay không, như thế nào là tấn công tình dục ...
Tan nhận thấy nhiều người gặp khó khăn trong việc kể lại vấn đề, họ chỉ có thể giao tiếp bằng tay hoặc những cụm từ lộn xộn. Thực tế khắc nghiệt đòi hỏi cô phải dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện với khách hàng, thu thập đầy đủ thông tin về các trường hợp cụ thể.
Trung Quốc hiện đang thiếu thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu trầm trọng. Ước tính có chưa đến 10.000 thông dịch viên phục vụ cộng đồng khoảng 28 triệu người khiếm thính. Tính đến năm 2019, chỉ có 5 trường đại học đào tạo ngôn ngữ ký hiệu như một chuyên ngành.
Tang Shuai, điều hành công ty luật riêng, là người nổi tiếng trong giới luật sư Trung Quốc cho biết: "Tại tòa án, một trong những vai trò được kính trọng nhất là người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu. Lời nói của họ có thể quyết định tội danh và hình phạt của bị cáo, đôi khi là sống hay chết".
Đóng vai trò quan trọng, nhưng phiên dịch viên có kiến thức pháp lý đầy đủ còn thiếu hụt. Rất ít luật sư học thêm ngôn ngữ ký hiệu và ngược lại. Vấn đề càng phức tạp hơn vì thực tế là các phiên dịch viên và một số cộng đồng người khiếm thính sử dụng hình thức ngôn ngữ ký hiệu khác nhau.
Phần lớn phiên dịch viên sử dụng ngôn ngữ ký hiệu dạng tiêu chuẩn hóa chính thức từ những năm 1990 của Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều người khiếm thính chỉ sử dụng ngôn ngữ ký hiệu tự nhiên, có ngữ pháp khác nhau và thay đổi theo từng vùng.
Dù vậy, những thử thách chưa bao giờ làm Tan nhụt chí. "Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu chừng nào tôi còn có thể. Tôi không thích bỏ cuộc", cô khẳng định.