Chiều 28/8, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước tháng 8/2023. Hội nghị diễn ra trong một thời điểm đặc biệt khi hôm nay cũng là dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Truyền thống ngành Thông tin & Truyền thông (28/8/1945 - 28/8/2023).
Nhân dịp này, Hội nghị giao ban đã được Bộ TT&TT tổ chức theo phương thức hoàn toàn mới. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã lựa chọn ngẫu nhiên các đại biểu để họ nói lên ý kiến, góc nhìn của mình.
Nhiều suy nghĩ, cách làm mới
Chia sẻ với hội nghị, bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ TT&TT) cho biết, trước kia, một đề án, văn bản quản lý pháp luật thường phải thực hiện từ 2 đến 3 năm. Tuy nhiên, với Cục Chuyển đổi số Quốc gia, thời gian qua, một văn bản hướng dẫn hay soạn thảo ra dự thảo như: nghị định, thông tư, đề án... nhiều khi chỉ làm trong một tháng, thậm chí đối với một văn bản hướng dẫn trong 1 tuần.
Để làm được điều đó, Cục Chuyển đổi số Quốc gia đã phải nghĩ ngược lại và làm khác đi. Theo Phó Cục trưởng Trần Thị Quốc Hiền, trước kia các văn bản này thường được thực hiện bởi cấp chuyên viên, lãnh đạo Cục chỉ đóng vai trò phê duyệt, góp ý. Giờ đây, để tăng tốc độ xử lý, lãnh đạo Cục sẽ trực tiếp “chấp bút” thực hiện, sau đó chuyển xuống cho các cán bộ chuyên môn cấp dưới tham mưu về chính sách, kỹ thuật đọc và cho ý kiến.
“Khi làm ngược lại, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được cải thiện rõ rệt bởi lãnh đạo Cục là người được họp trực tiếp, tiếp thu chỉ đạo từ phía lãnh đạo Bộ. Do văn bản dự thảo được gửi từ lãnh đạo Cục, cán bộ cấp dưới sẽ làm nghiêm túc, góp ý nhanh hơn, nhờ vậy công việc tốt hơn”, bà Hiền nói.
Tiếp nối câu chuyện, ông Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ TT&TT) cho hay, đơn vị vừa xử lý thành công việc xây dựng và trình xin ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi theo quy trình rút gọn chỉ trong vòng 3 ngày.
“Sở dĩ công việc xong nhanh vậy nhờ việc lớn được chia thành việc nhỏ. Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự phối hợp chung của nhiều đơn vị trong Bộ, vì mục tiêu chung nhằm giúp doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn”, ông Lịch nói.
Ở góc nhìn của đơn vị mình, theo TS Vũ Tuấn Lâm, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, dưới chủ trương của lãnh đạo Bộ, đơn vị đã triển khai mở nhiều ngành học mới theo dạng lai ghép. Đó là ngành Fintech, lai ghép giữa công nghệ và tài chính, ngành Báo chí số, lấy công nghệ làm nền tảng để đào tạo người làm báo đa phương tiện,...
Với cách nghĩ mới, cách làm mới, Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông giờ đây có dư địa phát triển lớn hơn, từ đó có thêm phương án giải bài toán nâng cao chất lượng đào tạo nhưng vẫn duy trì học phí ở mức thấp.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất cần có biện pháp để thu hút người giỏi vào bộ máy quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị lãnh đạo Bộ tổ chức thêm nhiều hoạt động để ngày truyền thống ngành Bưu điện trước kia, ngành Thông tin Truyền thông hiện nay thêm nhiều ý nghĩa, trở thành ngày hội vui của người lao động trong ngành.
Những chỉ đạo mới của "tư lệnh" ngành Thông tin Truyền thông
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gửi lời chúc mừng tới toàn thể người lao động, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành nhân ngày truyền thống 28/8.
Đồng ý với các kiến nghị, đề xuất, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nên tổ chức ngày 28/8 như một ngày hội chung của ngành Thông tin Truyền thông, ngày vui của 1,5 triệu lao động và 70.000 doanh nghiệp trong ngành.
Ngày nay báo chí truyền thông và công nghệ số đều có tác động tới tất cả mọi người dân Việt Nam. Việt Nam muốn phát triển phải dựa vào ngành này. Do vậy, ngày truyền thống ngành Thông tin Truyền thông xứng đáng trở thành một ngày hội của đất nước. Bộ TT&TT sẽ cân nhắc, và có thêm những hoạt động để biến điều đó thành hiện thực.
Chỉ đạo, định hướng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị cần thường xuyên cung cấp số liệu về ngành để phục vụ hoạt động của các cơ sở nghiên cứu, báo chí và các tổ chức quốc tế.
Trong thời gian tới, hàng quý, các đơn vị thuộc Bộ sẽ cung cấp số liệu về lĩnh vực đang quản lý lên website của đơn vị mình. Bộ TT&TT cũng sẽ tổng hợp những dữ liệu này trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Đây sẽ là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng để báo chí, các tổ chức, đơn vị nghiên cứu đóng góp thêm góc nhìn giúp cho sự phát triển của ngành.
Thời gian qua, sau khi ban hành một văn bản quản lý, Bộ TT&TT có thực hiện việc thu hồi, sửa đổi khi có ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là việc tốt bởi ai cũng có thể mắc lỗi, quan trọng là cách ứng xử trên tinh thần cầu thị và xây dựng. Các đơn vị trong Bộ TT&TT cần tiếp tục duy trì góc nhìn và cách tiếp cận này.
Đối với các nhiệm vụ lớn, lãnh đạo các đơn vị cần coi đây là di sản dành cho thế hệ sau, là cơ hội để lại dấu ấn trong sự phát triển của ngành. Bộ trưởng khuyến khích cấp trưởng các đơn vị ngày đêm trăn trở với việc này, tìm cách để lại di sản để từ đó tri thức của Bộ, của từng đơn vị trong Bộ ngày một tăng lên.
Định hướng chỉ đạo các đơn vị trong Bộ, Bộ trưởng cho biết, trí tuệ nhân tạo hiện đã qua giai đoạn khám phá, nghiên cứu và bước vào giai đoạn ứng dụng. Trong giai đoạn hiện nay, ai nhanh chân hơn trong ứng dụng AI sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
Với bối cảnh đó, Việt Nam cần mang công nghệ AI ứng dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế xã hội để giúp đất nước phát triển. Đây là lúc AI cần được phổ cập và thâm nhập vào mọi lĩnh vực, mọi nơi, mọi chốn, mọi công việc hàng ngày của người dân, doanh nghiệp, tổ chức nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành, tạo ra giá trị mới.
Tốc độ phát triển của nền kinh tế là kết quả của phép nhân giữa tốc độ các hoạt động offline và online. Kinh tế số là chuyển nhanh một số khâu sang online. Nếu chuyển một phần các hoạt động kinh tế offline sang online thì tốc độ của nền kinh tế sẽ tăng đáng kể. Theo Bộ trưởng, đây là công thức quan trọng để các doanh nghiệp tăng tốc toàn bộ quy trình sản xuất.
"Sản xuất, tiêu thụ vẫn là vật chất, nhưng nhiều quyết định thì đã online, ví dụ như việc đưa ra quyết định mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Tốc độ của quyết định mua bán tăng nhanh, và vì thế tốc độ hoạt động kinh tế cũng tăng nhanh", Bộ trưởng nói.
Chia sẻ với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Bộ trưởng cho rằng, doanh nghiệp này có thể áp dụng ngay 2 ý trên. Thứ nhất là ứng dụng AI để xử lý dữ liệu đã thu thập nhiều năm qua, từ đó phân tích, tìm ra nguyên nhân khiến chất lượng dịch vụ suy giảm tại từng khâu, từng địa bàn. Ở những nơi không hiệu quả, cần có biện pháp thay đổi chính sách kinh doanh. Nếu làm theo cách này, chỉ 3 tháng sau Vietnam Post sẽ có sự thay đổi đáng kể.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng gợi ý Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chuyển một số khâu của quá trình sản xuất kinh doanh từ hoạt động offline sang online. Theo người đứng đầu ngành TT&TT, chỉ cần đưa được thêm một khâu lên online, hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị này sẽ tăng tốc.