Sáng 13/1, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội, kết hợp trực tuyến đến nhiều điểm cầu tại các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương; tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các điểm cầu cấp tỉnh, huyện, xã với gần 1 triệu cán bộ, đảng viên tham dự.
Khát vọng đang cháy bỏng hơn bao giờ hết
Quán triệt nội dung, tinh thần chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST và CĐS), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình của đất nước trong lĩnh vực này.
“Nghị quyết 57 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam trong kỷ nguyên mới, đưa đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
KHCN, ĐMST và CĐS đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững; giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu kinh tế, từng bước vượt lên, sánh vai cùng các cường quốc về công nghệ…
Thủ tướng dẫn báo cáo mới nhất của WB năm 2024 với chủ đề “Bẫy thu nhập trung bình” cho thấy Việt Nam có GDP bình quân đầu người năm 2024 là 4.700 USD và nếu tăng trưởng trung bình 7%/năm thì đến năm 2040 mới gia nhập nhóm nước có thu nhập cao (khoảng 13.800 USD/người).
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, nếu tăng trưởng không tăng lên thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
“Khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hiện đại, sớm gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao đã và đang cháy bỏng hơn bao giờ hết. Khát vọng này là có cơ sở nhưng làm được hay không là cả quá trình, chúng ta phải cố gắng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Để hiện thực hóa khát vọng ấy, Thủ tướng cho rằng, không có con đường nào khác ngoài việc dồn toàn lực cho KHCN, ĐMST và CĐS. Đây không chỉ là xu thế tất yếu của thời đại mà còn là con đường duy nhất để bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ để đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.
7 nhóm nhiệm vụ
Vì vậy, Chính phủ xác định rõ việc triển khai Nghị quyết số 57 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Chương trình hành động đã đề ra 41 nhóm chỉ tiêu (gồm 35 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, 6 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045) và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể.
Nhóm nhiệm vụ thứ nhất là nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS
Trong đó, Chính phủ nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc phát động phong trào thi đua toàn quốc để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân trong thực hiện cuộc cách mạng về KHCN, ĐMST và CĐS…
Nhóm nhiệm vụ tiếp theo là khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS với 28 nhiệm vụ cụ thể.
Lưu ý đây là nhóm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, Thủ tướng nhấn mạnh: “Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo là phải bảo đảm thông thoáng, kiến tạo phát triển với tư duy đổi mới 'vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tạo không gian phát triển mới', tạo khung khổ pháp lý để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển”.
Với nhóm nhiệm vụ này, Chính phủ cũng đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể là tập trung xây dựng dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số trình Quốc hội thông qua trong năm 2025 và các nghị định hướng dẫn thi hành luật.
Cùng với đó là xây dựng cơ chế thử nghiệm, đặc thù trong lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS, trình Quốc hội thông qua; ban hành quy định Quỹ đầu tư mạo hiểm và các cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo để tạo động lực thúc đẩy ĐMST.
Nhóm nhiệm vụ thứ 3 là tăng cường đầu tư hạ tầng cho KHCN, ĐMST và CĐS với 34 nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó Thủ tướng nhấn mạnh "hạ tầng phải luôn đi trước một bước", để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế số, xã hội số.
Nhiệm vụ trọng tâm là ban hành chương trình quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược; rà soát, đầu tư phát triển Trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm dữ liệu quốc gia; phát triển hạ tầng số hiện đại, hạ tầng viễn thông, Internet, hạ tầng vật lý số, hạ tầng tiện ích số, các nền tảng sổ quốc gia, nền tảng số dùng chung các ngành, lĩnh vực…
Nhóm nhiệm vụ thứ 4 là phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS với 12 nhiệm vụ cụ thể.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 179/2024 về chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.
Trong đó, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng đề án phát triển và trọng dụng nhân tài tập trung vào các cán bộ chuyên gia đầu ngành, những người giữ vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS.
Đồng thời có chính sách đãi ngộ, tuyển dụng đặc thù thu hút, tuyển dụng nhân tài, tạo động lực mạnh mẽ để nhân tài gắn bó và cống hiến lâu dài cho đất nước. Đặc biệt, có chính sách thu hút nhà khoa học và chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài về làm việc tại Việt Nam.
Nhóm nhiệm vụ thứ 5 là đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng và an ninh với 27 nhiệm vụ.
Thủ tướng nhấn mạnh, đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là đòn bẩy then chốt để nâng tầm hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị quốc gia.
Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động của các cơ quan nhà nước sẽ tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần kiến tạo một chính phủ số tinh gọn, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Chuyển đổi số sẽ là "chìa khóa vàng" để tối ưu hóa quy trình quản lý, nâng cao năng lực điều hành, dự báo và ra quyết định chính xác, kịp thời trên mọi lĩnh vực, từ KTXH đến quốc phòng - an ninh.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Chương trình phát triển Chính phủ số; ứng dụng KHCN, ĐMST và CĐS trong các ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước, như văn hóa, tài nguyên, môi trường, giao thông, y tế, thương mại điện tử…
Nhóm nhiệm vụ thứ 6 là thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS trong doanh nghiệp với 16 nhiệm vụ cụ thể.
Theo Thủ tướng, trong tiến trình hình thành và phát triển nền kinh tế số, doanh nghiệp chính là "đầu tàu", là lực lượng nòng cốt của hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Nhóm nhiệm vụ thứ 7 là tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS với 9 nhiệm vụ.
Để Nghị quyết số 57 đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào ra việc nấy, làm việc nào dứt việc đó".
Đồng thời chú trọng phân công nhiệm vụ cụ thể với tinh thần “5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”, “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”.
Tổng Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số