Trong một bài viết vừa đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kể: “Một lần tôi sang Úc và hỏi Bộ trưởng Truyền thông, ai quản lý báo chí. Họ bảo không có cơ quan nhà nước nào quản lý báo chí, dân quản lý báo chí. Nhà báo viết hay, viết tốt thì dân mua; viết sai thì dân kiện. Nhà nước xử nghiêm”. 

Kết thúc bài viết, ông Hợp nhắn nhủ: “Tôi mong, các nhà báo phát huy hết các lợi thế của mình, có trách nhiệm xã hội cao hơn; trong tác nghiệp luôn thấm nhuần 6 chữ: Trung thực, Khách quan, Hướng thiện”.

Tôi cứ suy nghĩ mãi về chuyện kể và lời nhắn nhủ của vị cựu Bộ trưởng nhiều duyên nợ với ngành thông tin và truyền thông.

Như vậy, ở xứ người, việc quản lý báo chí của họ thật đơn giản: Dân quản. Người dân là “khách hàng” đông đảo nhất của báo chí. Làm gì thì làm, báo chí phải thỏa mãn cơn khát thông tin diễn ra trong đời sống hằng ngày của đại đa số người dân và thông qua đó mà đạt mục đích “hướng thiện”.

“Nhà báo viết hay, viết tốt thì dân mua; viết sai thì dân kiện” – điều hiển nhiên này đôi khi chúng ta không nghĩ tới hoặc xem nhẹ.

Tất nhiên, câu chuyện của vị cựu Bộ trưởng cũng cho thấy cơ chế quản lý báo chí của Úc cũng rất đáng quan tâm: Nhà nước không quản lý báo chí. Khi báo chí sai, có người kiện thì giải quyết ở tòa án. Lúc đó vai trò của Nhà nước là “xử nghiêm”.

{keywords}
Báo chí đang đứng trước nhiều khó khăn về thị trường.

Hơn hai mươi năm trước, khi Internet chưa được phổ biến, người dân “đói” thông tin, chỉ biết có báo giấy, báo nói và báo hình nhưng khả năng tiếp cận bị hạn chế bởi số lượng xuất bản; vả lại đa số dân chúng còn phải lo cái ăn cái mặc hằng ngày, không phải ai cũng có điều kiện để mua báo, sắm đài hay ti vi. Chuyện “viết hay, viết tốt thì dân mua; viết sai thì dân kiện” chưa phải là mối quan tâm của xã hội.

Bây giờ thì khác, thông tin số đã làm thay đổi tất cả, từ diện mạo báo chí, truyền thông cho đến thị hiếu của độc giả. Người ta quan tâm đến không chỉ nội dung tin tức mà còn ở sự nhanh nhạy (đến từng giây) của việc đưa tin; ở khả năng phân tích, đánh giá vấn đề, sự kiện của nhà báo. Người đọc, người xem thời công nghệ số có điều kiện để tương tác với tác giả và tòa báo nhờ công cụ hiện đại; ai cũng có thể bày tỏ thái độ của mình thông qua việc đánh giá, bình phẩm mức độ hay dở của một bài viết hoặc chất lượng của cả tờ báo.

Bởi thế, người đọc ngày nay không khó để “thẩm định” một bài báo hay chỉ ra những lỗi sơ đẳng về dùng từ, đặt câu, diễn đạt xuất hiện hằng ngày trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là báo mạng.

Xin nêu một vài ví dụ được trích dẫn từ các báo:

- “Cửa hàng chỉ phục vụ khách đoàn của công ty lữ hành. Người Việt Nam không được vào, thăm quan cũng không được”. 

Trong câu này có lỗi là dùng từ sai: “tham quan”, lại viết là “thăm quan”.

- “Việc một tuyến đê được đầu tư rất nhiều tiền của để xây dựng, lại vừa được nghiệm thu đưa vào sử dụng khoảng 3 tháng nay. Được người dân kỳ vọng sẽ là tấm lá chắn “thép” khi mùa mưa lũ năm nay”. 

Cả hai câu đều thuộc loại câu cụt câu què, câu đầu không có vị ngữ và câu sau không có chủ ngữ.

- “Vì vậy, nếu bố mẹ không đăng những thông thuộc nhóm bí mật đời sống riêng tư của con lên mạng xã hội như Facebook, nếu không tìm hiểu kỹ rất có thể sẽ phạm cả 2 luật gồm: Luật Trẻ em 2016 và Luật An ninh mạng vừa có hiệu lực cách nay 2 ngày”.

- “Hỏi rằng thực sự những người như thế có nhiều qua không để tràn lan trong cả xã hội để không thể nào có biện pháp khác việc anh lên mạng than khóc kể về mẹ như một hành vi bôi do trát trấu vào người đã sinh thành ra mình?”.

Cả hai câu trên đây đều được diễn đạt luộm thuộm, rối rắm.

- “Xử lý như nào nghi can sát hại 3 bà cháu chôn xác phi tang ở Lâm Đồng?” 

Tít bài bị viết lược đi (như nào) khiến tựa đề tối nghĩa.

Những lỗi như vừa dẫn hiện có rất nhiều trên báo online, báo in. Những lỗi đó trước hết là do cá nhân người viết thiếu cẩn trọng, hay hạn chế về năng lực chuyên môn cũng như ý thức trau dồi tư duy của mình. Trong chừng mực nào đó thì những khiếm khuyết đó có thể xem như là một sự thiếu tôn trọng đối với độc giả. Cũng không thể không nhắc đến trách nhiệm của tòa báo, khi đã dễ dãi với những bài viết chưa được kiểm chứng về nội dung hoặc chưa chuẩn về văn phong, chữ nghĩa.

Trong việc viết lách, không ai là không có sơ suất, nhưng nếu chúng ta luôn có ý thức “trách nhiệm xã hội cao” trong công việc của mình, thì nhất định sẽ có những tác phẩm hay, đáp ứng được kì vọng của người dân.

“Trung thực, Khách quan, Hướng thiện”. Thiên chức của người làm báo gói gọn trong 6 chữ ấy.

Không trung thực, thiếu khách quan thì không thể hướng thiện. Đấy chính là sự định hướng - định hướng từ trong cái tâm của người cầm bút.

Nguyễn Duy Xuân