Cán đích mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu nổi trội về chuyển đổi số (CĐS) với nhiều chỉ tiêu đáng khích lệ, như tỷ lệ: cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ và thanh toán số luôn đạt xấp xỉ 100%; sản phẩm chủ lực được bán qua sàn thương mại điện tử và các ứng dụng mạng xã hội đạt gần 20%; hệ thống loa truyền thanh ứng dụng công nghệ số đạt 100%… người dân xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) đang được thụ hưởng trực tiếp và hiểu rõ lợi ích của CĐS mang lại trong cuộc sống hàng ngày.

Cán bộ xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) duyệt chương trình phát thanh trên hệ thống truyền thanh thông minh.
Cán bộ xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) duyệt chương trình phát thanh trên hệ thống truyền thanh thông minh.

Xác định xây dựng NTM kiểu mẫu trên nền tảng xã đạt tiêu chí NTM nâng cao với cơ sở vật chất đồng bộ, hạ tầng viễn thông đảm bảo; đội ngũ cán bộ xã cơ bản đáp ứng các yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ giao dịch hành chính, CĐS… Do đó, cấp ủy, chính quyền xã Nghĩa Phong tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức của người dân về CĐS; nhanh chóng đưa các nền tảng số vào phục vụ đời sống, lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, thúc đẩy người dân khai thác giá trị của CĐS và tương tác với chính quyền, doanh nghiệp trên môi trường số. Xã đầu tư trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, hoàn thiện hạ tầng viễn thông; lắp đặt hệ thống phòng họp trực tuyến phục vụ các cuộc họp trực tuyến của Chính phủ, tỉnh và huyện luôn thông suốt, tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần hiện đại hóa nền hành chính. Tập trung chuyển đổi hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông quy mô toàn xã; lắp đặt bảng tin điện tử và bố trí các điểm phát wifi miễn phí, hệ thống camera an ninh ở trụ sở đảng ủy, UBND xã, trường học, nhà văn hóa các thôn, trạm y tế và chợ dân sinh. Xã chủ động rà soát, niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa và trên Trang thông tin điện tử xã để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, sử dụng.

Xã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông mở các lớp tập huấn chuyên sâu về CĐS, trang bị kỹ năng, kiến thức CĐS cho nhân dân trong xã để người dân dễ dàng truy cập mạng internet, tìm kiếm, tiếp cận thông tin cần thiết phục vụ đời sống mọi lúc, mọi nơi và khuyến khích người dân tương tác với chính quyền và doanh nghiệp trên môi trường số. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính của xã đã tạo điều kiện thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, quản lý giúp tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp, hướng đến sự hài lòng của người dân.

Nhiều năm liên tục, 100% hồ sơ thủ tục hành chính của xã được trả sớm và đúng hẹn, không có hồ sơ quá hạn; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt trên 99%; 100% hồ sơ có phát sinh phí đều được thanh toán trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ số hóa đạt 100%. 100% văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, của tỉnh, huyện (trừ văn bản mật), các thông tin trao đổi, kiểm tra tình hình, tiến độ triển khai, giải quyết công việc được thực hiện trên nền tảng số.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số, xã Nghĩa Phong đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng ở tất cả các thôn, xóm và phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng và Bưu điện tỉnh hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích; cài đặt một số ứng dụng cơ bản, thiết yếu, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID và phổ biến kỹ năng an toàn thông tin cho người dân trong độ tuổi lao động làm cơ sở để triển khai các ứng dụng số trong toàn dân.

Đến nay, trên địa bàn xã có 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có ít nhất 1 tài khoản thanh toán số; trên 90% người dân cài đặt sổ sức khoẻ điện tử và sử dụng thành thạo các ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa... giúp người dân dễ dàng được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa khi có yêu cầu kiểm tra sức khỏe.

 Đồng thời xây dựng mô hình chợ 4.0 và tuyến đường thanh toán không sử dụng tiền mặt trong chi tiêu hàng ngày và thanh toán trực tuyến các dịch vụ điện, nước, y tế, giáo dục… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được trải nghiệm hình thức thanh toán mới, hiện đại, giúp người dân tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số, hướng tới hình thành các thôn xóm văn minh, hiện đại, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của xã.

Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế số, người dân đã khai thác khá hiệu quả ưu thế của thương mại điện tử trong việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực của địa phương. Trong đó ngoài 3 sản phẩm rau củ quả sấy khô Nông Phong là củ cải khô, rau tiến vua và trà gạo lứt thảo mộc đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của Hợp tác xã sản xuất và chế biến nông sản Nông Phong được giới thiệu, bán trên các sàn thương mại điện tử lớn trên toàn quốc. Hiện tại hợp tác xã đang phát triển thêm các sản phẩm ớt khô, khoai lang sấy dẻo, tinh bột củ sen và gạo sạch… Tất cả các sản phẩm này đều được ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất; minh bạch, khép kín theo chuỗi từ trồng nguyên liệu, sơ chế, đóng gói và bán sản phẩm tại địa phương.

Ngoài ra, còn có các mô hình sản xuất hiệu quả khác trong xã như nuôi lươn sinh sản; chế biến mỳ gạo; mây tre đan…, sản phẩm được các hộ sản xuất, kinh doanh giới thiệu, phân phối tiêu thụ trên các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook, YouTube và các sàn giao dịch thương mại điện tử, mở ra thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của địa phương. Không dừng lại ở việc phát triển kinh tế, mở rộng thị trường, người dân xã Nghĩa Phong còn thành công trong việc quảng bá văn hóa bản địa, nét đặc sắc trong nếp sống sinh hoạt truyền thống thường ngày của người dân địa phương thông qua kênh YouTube đã nổi tiếng Lão nông Vlog - từng vinh dự đoạt giải sáng tạo nội dung số do Hội Truyền thông số Việt Nam bình chọn.

Những tiện ích mà CĐS mang lại không chỉ tạo thuận lợi cho công tác lãnh đạo, điều hành của xã, thôn, bảo đảm an ninh trật tự, bà con tiếp cận với công nghệ số để giao dịch thương mại điện tử... mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch mạnh mẽ từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ, sản xuất cây, con đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã đạt trên 85%. Thu nhập bình quân bình quân đầu người năm 2024 của xã đạt 83,57 triệu đồng. Hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, văn minh, hiện đại. Từ thành quả đạt được, xã Nghĩa Phong sẽ tiếp tục phấn đấu trở thành xã NTM thông minh.

 Theo Nguyễn Hương (Báo Nam Định)