Người giàu thường làm việc khác với số đông. Họ liên tục tự học, tránh hoài niệm và có xu hướng chấp nhận sự vị kỷ. Họ cũng có những quan điểm khác về việc nuôi dạy con cái, theo Business Insider.
Điều này được triệu phú tự thân Steve Siebold tiết lộ. Ông đã phỏng vấn hơn 1.200 người giàu nhất thế giới và biên soạn nghiên cứu của mình thành cuốn sách “How Rich People Think” (tạm dịch: “Cách người giàu nghĩ”).
Ông phát hiện ra rằng, trong khi những người bình thường dạy con cái cách sống một cuộc đời thường nhật, những người giàu có luôn vô tình hay cố ý dạy con cách trở nên giàu có.
"Những gia đình bình thường vô thức truyền lại niềm tin hạn chế họ được dạy về tiền bạc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính những niềm tin này đã ‘giữ chân’ họ đạt tới một mức độ thành công về mặt tài chính trong hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm năm", Siebold viết.
Những người giàu không dạy con như vậy. Họ không chỉ hướng dẫn con cái họ thói quen quản lý tiền thông minh mà còn chỉ cho con hiểu rằng muốn giàu có là điều bình thường và bất kỳ ai nghĩ đủ lớn cũng có thể trở nên giàu có.
"Trong khi đám đông hài lòng trong vùng an toàn, tìm kiếm sự thoải mái và tránh những đau khổ thì những tỷ phú đang sống xa hoa và dạy con cái họ không làm như vậy. Đối với họ, cuộc sống là một trò chơi cần được thực hiện một cách táo bạo và không sợ hãi. Họ luôn làm gương cho con cái bằng hành động của mình", triệu phú tự thân viết trên tờ The Huffington Post.
Siebold nhấn mạnh: Người giàu thường giáo dục con cái kiếm tiền bằng cách giải quyết vấn đề và nâng cao chất lượng cuộc sống của người khác. Bằng việc này, đứa trẻ học cách coi tiền bạc là một động lực tích cực, có ích cho điều tốt đẹp thay vì là vũ khí của một số ít người dùng để chống lại số đông.
Họ dạy con coi tiền bạc là bạn đồng hành chứ không phải mục tiêu cuối cùng.
"Một số nói rằng cha mẹ giàu có đang dạy con cái họ coi thường người nghèo. Điều này không đúng. Họ đang dạy con cái nhìn thế giới qua con mắt của thực tế khách quan - cách xã hội thực sự đang tồn tại và vận động", ông viết.
Cách nuôi dạy một triệu phú tương lai
Nuôi dạy một triệu phú tương lai không chỉ bao gồm kiến thức tài chính còn đòi hỏi phải truyền đạt tư duy coi sự giàu có là một động lực tích cực và dạy các chiến lược thực tế để thành công về mặt tài chính.
Dưới đây là một số nguyên tắc và cách thực hành cụ thể giúp hướng dẫn con cái có một tương lai thịnh vượng, theo nghiên cứu của tỷ phú tự thân Steve Siebold:
Hiểu về tiền bạc: Những bậc cha mẹ hiểu biết nhất về tài chính sẽ dạy con cái họ sự thật về tiền bạc. Họ nhấn mạnh rằng mong muốn giàu có không phải là điều sai trái và dám nghĩ - dám làm có thể dẫn đến thành công về mặt tài chính.
Quan điểm tích cực về tiền bạc: Những bậc cha mẹ tỷ phú tránh sử dụng tiền bạc như một công cụ để thao túng hoặc nắm quyền lực. Thay vào đó, họ giáo dục con cái mình cách kiếm tiền bằng cách giải quyết vấn đề và cải thiện cuộc sống của người khác.
Một số cách thiết thực để dạy trẻ em về tiền bạc:
1. Dạy về thực tế khách quan: Đảm bảo con hiểu được thế giới tài chính thực sự. Mặc dù lý tưởng hóa khi tin rằng mọi người đều có thể tiếp cận những điều tốt đẹp trong cuộc sống, nhưng cần nhận ra rằng thực lực tài chính quan trọng nhường nào.
2. Công nhận đặc quyền của sự giàu có: Giúp con hiểu rằng sự giàu có đi kèm với đặc quyền. Trẻ càng nắm bắt được khái niệm này sớm, càng có động lực hành động và tạo ra cơ hội cho mình.
3. Dạy về quản lý tiền bạc: Chỉ cho con cách khiến tiền làm việc cho mình. Tiền bạc nên được coi là phương tiện trao đổi năng động, lưu thông và phát triển, không chỉ là một nguồn lực tĩnh.
4. Nuôi dưỡng thái độ tích cực: Khuyến khích con coi tiền bạc là thứ đáng mong đợi, thay vì là thứ đáng sợ. Dạy chúng liên kết tiền bạc với sự tự do, cơ hội và sự sung túc.
5. Truyền đạt sự khiêm tốn: Giải thích rằng mặc dù tiền bạc không khiến trẻ trở thành người tốt hơn, nhưng nó có thể mang lại nhiều cơ hội hơn, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân cách và các giá trị phi vật chất hơn của cải.
6. Đặt niềm tin vào tiềm năng của trẻ: Một trong những thông điệp mạnh mẽ nhất mà cha mẹ có thể truyền đạt là niềm tin vào tiềm năng của con mình. Bất kể trình độ học vấn hay thành tích học tập của trẻ như thế nào, trẻ nên được dạy rằng chúng có khả năng đạt được các mục tiêu tài chính của bản thân. Những cụm từ như "Bố/mẹ tin vào con" và "Con có thể làm được" đơn giản nhưng vô cùng hữu ích.
7. Dạy bằng tấm gương: Cách tốt nhất để dạy trẻ em về tiền bạc là thông qua ví dụ. Những bậc cha mẹ gặp khó khăn về tài chính có thể vô tình dạy con mình rằng tiền bạc khó kiếm và khó giữ. Ngược lại, những bậc cha mẹ tiếp tục phấn đấu để cải thiện tài chính, bất kể mức độ thành công của họ, sẽ nêu gương sáng. Họ cho con mình thấy thất bại là một phần của hành trình và sự kiên trì là chìa khóa.
Những bậc cha mẹ suy nghĩ lớn sẽ truyền cảm hứng cho con mình mơ ước và hướng tới những mục tiêu cao cả. Họ giúp con cái xác định tài năng và sở thích tự nhiên, nuôi dưỡng niềm tin rằng mình có thể tự tạo ra tương lai bằng cách làm những gì yêu thích.
Cuối cùng, tư duy của những bậc cha mẹ giàu có là thái độ sống cho rằng mọi thứ đều có thể (everything is possible). Trong khi nhiều người làm mọi thứ an toàn và tránh rủi ro, những người giàu lại đón nhận thử thách và dạy con cái họ làm như vậy.