Thị trường Việt Nam có nhiều chủng loại kính tiết kiệm năng lượng. Ảnh: KínhBP |
Hội đồng tư vấn đánh giá (Bộ Xây dựng) đã họp nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu thông số của kính tiết kiệm năng lượng nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế - kỹ thuật của ngành Xây dựng Việt Nam”, do Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam thực hiện.
Theo Cổng thông tin Bộ Xây dựng, chủ nhiệm đề tài Kiều Lê Hải cho biết: Kính xây dựng là một trong những loại vật liệu đang được sử dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng với những ưu điểm về tính thẩm mỹ, tận dụng được ánh sáng tự nhiên, kết cấu nhẹ, thi công nhanh. Tuy nhiên, nhược điểm của các sản phẩm kính xây dựng thông thường là bức xạ nhiệt cao, gây “hiệu ứng nhà kính” ở nhiều công trình, lãng phí điện năng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và môi trường.
Trên thế giới, công nghệ sản xuất kính tiết kiệm năng lượng được phát triển từ năm 1970 và được cải tiến liên tục cho đến nay, nhằm khắc phục những nhược điểm của sản phẩm kính thông thường.
Quy chuẩn Việt Nam QCVN 09:2017/BXD “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” quy định các loại kính lắp đặt cho mặt bao tòa nhà buộc phải tuân theo quy định về hệ số hấp thụ nhiệt (SHGC).
Với các quy định này thì đối với các tòa nhà có tổng diện tích sàn từ 2500m2 trở lên, mặt bao tòa nhà có tỷ lệ diện tích cửa sổ/tổng diện tích mặt bao lớn, sẽ bắt buộc phải sử dụng các loại kính tiết kiệm năng lượng.
Hiện nay trên thị trường Việt Nam, kính tiết kiệm năng lượng của châu Âu, châu Mỹ, Trung Quốc bên cạnh sản phẩm sản xuất trong nước khá đa dạng; thực tế này đặt ra yêu cầu cần thiết phải nghiên cứu các thông số của kính tiết kiệm năng lượng phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Đề tài có mục tiêu nghiên cứu, thử nghiệm và đánh giá các tính năng của sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng đang tiêu thụ trên thị trường Việt Nam, qua đó đề xuất các sản phẩm phù hợp với điều kiện kinh tế - kỹ thuật của ngành xây dựng Việt Nam.
Báo cáo tổng hợp đề tài đề cập đến những nội dung chính bao gồm: tìm hiểu các sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng đang tiêu thụ trên thị trường Việt Nam; thử nghiệm và đánh giá các tính năng về nhiệt, quang học và độ bền của các sản phẩm này.
Dựa trên kết quả đánh giá, đề tài đã tiến hành phân tích các yếu tố kinh tế - kỹ thuật ảnh hưởng đến việc lựa chọn sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng cho công trình xây dựng; nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao tính phù hợp về mặt kinh tế - kỹ thuật của sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng với điều kiện Việt Nam.
Nhận xét về kết quả nhiệm vụ, Hội đồng đánh giá đề tài có ý nghĩa thực tiễn, các nội dung nghiên cứu chính của đề tài cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, hội đồng đưa ra nhiều ý kiến góp ý cả về hình thức trình bày và nội dung của báo cáo tổng kết đề tài với nhóm thực hiện nhiệm vụ.
Theo đó, đề tài cần bổ sung sự liên hệ giữa kính tiết kiệm năng lượng và kính tempered (cường lực) hay kính laminated, để đảm bảo an toàn trong xây dựng và bổ sung sự liên hệ với quy chuẩn QCVN 06:2020 “An toàn cháy cho nhà và công trình” đối với kính an toàn và chống cháy; cần làm rõ hơn nội dung nghiên cứu về sự liên quan của kính đối với năng lượng tiêu thụ của tòa nhà; nên bổ sung nghiên cứu về sự liên hệ giữa giá thành tăng thêm khi sử dụng kính tiết kiệm năng lượng với suất đầu tư của công trình…
Kết luận cuộc họp, nhiệm vụ đã được Hội đồng nghiệm thu, với kết quả xếp loại Khá. Hội đồng nghiệm thu đề nghị nhóm đề tài chỉnh sửa hoàn thiện nhiệm vụ theo ý kiến của Hội đồng; viết lại báo cáo tổng kết đề tài có điều chỉnh cấu trúc các chương và nội dung tương ứng cho phù hợp hơn. Đồng thời, làm rõ hơn cơ sở khoa học của việc đưa ra các thông số kỹ thuật của các loại kính tiết kiệm năng lượng.
Duy Vũ