Đề án sẽ đánh giá tổng thể di sản Tràng An sau 10 năm được công nhận, thông qua 4 nhánh nghiên cứu: Di sản tự nhiên; Di sản văn hóa; Di sản định cư và Kinh tế du lịch. Đề án cũng sẽ lượng giá giá trị thương hiệu - kinh tế của các địa điểm và công trình đại diện nhằm bảo tồn và khai thác du lịch hiệu quả.
Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Chủ nhiệm đề án, nhấn mạnh: "Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014, điều này không chỉ khẳng định bản sắc quốc gia và lòng tự hào dân tộc mà còn thúc đẩy chủ quyền quốc gia. Để phát huy giá trị di sản, cần kết nối các cộng đồng và xây dựng niềm tin chung thông qua việc thúc đẩy du lịch di sản, củng cố bản sắc dân tộc, hướng tới phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ".
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục cũng cho biết, Đề án sẽ trả lời các câu hỏi về giá trị kinh tế của di sản, từ đó định lượng giá trị để nâng cao giá trị thương hiệu Tràng An - Hoa Lư. Đề án được thực hiện bởi các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm đảm bảo tính khoa học và chính xác.
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình khẳng định, việc lượng giá giá trị kinh tế của một di sản không chỉ dừng lại ở các con số và không chỉ đơn thuần là công cụ đánh giá về kinh tế. Điều quan trọng hơn là nhận thức đúng đắn về giá trị, tầm quan trọng của di sản thế giới trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn văn hóa của cộng đồng địa phương.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị Văn phòng UNESCO Hà Nội, Trung tâm Di sản thế giới, các cơ quan tư vấn của UNESCO và chuyên gia quốc tế phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch và Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) triển khai và công bố kết quả Đề án lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An, trên cơ sở đó tiến tới xây dựng một "Tuyên bố Tràng An" hoặc cao hơn là "Hiến chương về Di sản Thế giới".