Sáng 10/7, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức lễ bế giảng và trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ năm 2024. Cụ thể, dịp này, nhà trường đã trao bằng cho 17 tân tiến sĩ và 266 tân thạc sĩ.
Tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, đã chúc mừng 17 tân tiến sĩ Quản lý công và 266 tân thạc sĩ thuộc các ngành: Quản lý công; Tài chính - Ngân hàng; Luật Hiến pháp và Luật Hành chính; Quản lý kinh tế; Chính sách công.
Chia sẻ với các tân tiến sĩ, thạc sĩ, ông Chiến cho hay, các tân tiến sĩ, tân thạc sĩ đã vượt qua một chặng đầy thử thách để được vinh quang bước vào con đường khoa học. “Nhưng tôi tin rằng, đó chỉ là một trong những dấu mốc quan trọng trên cả hành trình còn dài phía trước. Cái đích các bạn cần phải tiếp tục phấn đấu là có những đóng góp cụ thể cho sự nghiệp phát triển đất nước, cho mục tiêu xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài, đóng góp vào sự nghiệp khoa học của ngành, lĩnh vực chuyên môn mình đang theo đuổi với tư duy đổi mới, sáng tạo, với phong cách làm việc khoa học”, ông Chiến nói.
Ông Chiến cũng bày tỏ mong mỏi tân tiến sĩ, thạc sĩ sẽ là tấm gương cho các thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đi sau noi theo, trước hết là tấm gương về ý thức học tập, nghiên cứu suốt đời, luôn nỗ lực rèn luyện, phấn đấu và đóng góp cho sự phát triển bền vững của nước nhà.
Ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng, đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ của Học viện Hành chính Quốc gia có nhiều nét đặc biệt. Bởi học viên của học viện không chỉ là những người mong muốn trở thành các nhà khoa học mà không ít trong số đó là những cán bộ, công chức, viên chức, những người muốn nâng cao kiến thức chuyên sâu để thực thi công vụ, thực hiện nhiệm vụ với chất lượng cao hơn, nâng cao chiều sâu tri thức trong công tác tham mưu, trong công tác lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ của Học viện ở khía cạnh này góp phần tạo nguồn, nâng cao chất lượng nhân lực cho nền công vụ, cho hệ thống chính trị trong dài hạn.
Chính vì tính chất đặc biệt này, ông Cường đề nghị học viện cần ý thức rõ ràng, đầy đủ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác đào tạo.
Cụ thể, học viện cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đào tạo trình độ tiến sĩ và thạc sĩ. “Đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ muốn đúng nghĩa là đào tạo tinh hoa, mỗi thầy cô giáo phải là tinh hoa của tinh hoa, phải là những người thầy giỏi nhất, sâu sắc nhất, thông tuệ nhất”.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy sau đại học, phát huy cao nhất ý thức tự giác, tinh thần tự học, tự nghiên cứu của người học. “Nghiên cứu khoa học là một hành trình gian khổ và không có con đường tắt để đến với đỉnh cao tri thức. Đào tạo sau đại học không chỉ là quá trình nâng cao tri thức mà còn cần là quá trình phát triển cao hơn năng lực tự học, tự nghiên cứu, để học tập, nghiên cứu trở thành một công việc suốt đời”.
Cùng đó, cần phải đảm bảo quy trình đào tạo đúng quy định, khoa học, chặt chẽ, nghiêm túc. “Trên cơ sở quy định của pháp luật về tuyển sinh và đào tạo, Học viện cần quy định cụ thể quy trình đào tạo, có cơ chế giám sát, theo dõi chặt chẽ. Đó cũng là cơ sở quan trọng để đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học, đồng thời cũng giúp nghiên cứu sinh, học viên cao học thấy được sự chuyên nghiệp, chuẩn mực trong công tác quản lý đào tạo”, ông Cường nói.
Ông Cường cũng đề nghị mỗi tân tiến sĩ, tân thạc sĩ tiếp tục giữ vững niềm say mê nghiên cứu khoa học, vận dụng tri thức vào thực tiễn công việc, đổi mới phương pháp làm việc, luôn trăn trở vì sự nghiệp chung, trở thành cán bộ ưu tú về trí tuệ và đạo đức, góp phần nâng cao hiệu quả của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác. “Những tri thức hôm nay có thể sẽ lạc hậu ở ngày mai. Đạt được tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ không phải là điểm hoàn thành, điểm dừng chân mà đó là điểm bắt đầu cho hành trình mới để các bạn tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới”, ông Cường nói. Thứ trưởng mong các tân tiến sĩ, thạc sĩ dù ở cương vị nào cũng luôn cố gắng, nỗ lực, phát huy tài năng, sức sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.