Theo phản ánh của người dân ở huyện Nga Sơn, Công ty CP đầu tư xây dựng VN1 (có địa chỉ tại TP Thanh Hóa) đang xây dựng nhà máy nước sạch Bắc Nga Sơn, địa điểm xây dựng tại xã Nga Thiện, tổng diện tích 1ha, cung cấp cho 8 xã trên địa bàn huyện.
Mặc dù nhà máy đang xây dựng, nhưng ngày 18/6/2022, Công ty CP đầu tư xây dựng VN1 có thông báo mức huy động đối với hộ gia đình là 4,5 triệu đồng, đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp hành chính mức thu 6 triệu đồng, thu thành hai đợt.
Theo thông báo, thời gian nộp tiền sau ngày 30/7/2022 sẽ không được ưu tiên theo giá hỗ trợ của chủ đầu tư mà phải đóng theo mức dự toán được duyệt và cộng mức trượt giá theo thị trường.
Việc huy động trên khiến người dân các xã ở Nga Sơn vô cùng bức xúc. Họ cho rằng, việc công ty không họp dân, tự ý áp đặt đưa ra thông báo thu và không có hợp đồng góp vốn như vậy là không đúng, không rõ ràng.
Ông Trần Xuân Thủy (xã Nga An) cho biết, việc đưa nước sạch về nông thôn là chủ trương đúng đắn, người dân vô cùng ủng hộ. Tuy nhiên, nhà máy đang xây dựng đã bắt dân phải đóng một số tiền lớn, trong khi người dân chưa được hưởng bất cứ quyền lợi gì.
“Cách làm của công ty hiện nay thì họ không phải bỏ tiền vốn đầu tư nào để xây dựng nhà máy. 8 xã có hơn 10 nghìn hộ dân, với mức thu 4,5 triệu/hộ, nếu tất cả đều đóng thì công ty đã thu về gần 50 tỷ. Sau khi hoàn thành nhà máy, chúng tôi lại tiếp tục phải đóng tiền lắp đặt sau công tơ, và phải trả tiền sử dụng nước hàng tháng. Như vậy, người dân chúng tôi thiệt đơn thiệt kép”, ông Thủy bức xúc nói.
Trước thực tế “mập mờ” khi thu tiền, người dân làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng.
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản giao cho UBND huyện Nga Sơn, Công ty CP đầu tư xây dựng VN1 làm rõ thông báo khoản thu mà người dân phản ánh, báo cáo chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/8.
Ông Nguyễn Duy Vũ, Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng VN1 khẳng định, việc công ty thu tiền là đúng. Theo ông Vũ, do người dân không hiểu hết nên họ thắc mắc cũng là đúng.
"Theo quyết định 1978/QĐ-TTg, doanh nghiệp được phép thu tiền của dân để đầu tư xây dựng trên cơ sở thỏa thuận, chứ không phải huy động, hay cổ phần", ông Vũ cho biết.
Trao đổi với VietNamNet, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, tại điểm d khoản 3 Điều 4 của quyết định số 131/2009-QĐ-TTg về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, doanh nghiệp được phép huy động vốn dưới dạng cổ phần, góp vốn từ lao động trong đơn vị, cộng đồng; huy động các nguồn vốn hợp pháp thông qua hợp tác, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân trong và ngoài nước.
Theo quyết định 1978/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 phê duyệt chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 1945, trong phần 3 mục 7 nêu rõ về huy động nguồn lực. Đó là, thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế xã hội, huy động sự tham gia, đóng góp của người dân trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình cấp nước, vệ sinh môi trường nông thôn và hỗ trợ hoạt động cấp nước quy mô hộ gia đình.
“Trong trường hợp này là sự thỏa thuận với nhau. Người dân cần làm rõ với doanh nghiệp xem khoản thu trên có dựa trên pháp lệnh dân chủ hay không, có họp hay bàn bạc với dân trước khi thu hay không. Trong trường hợp doanh nghiệp huy động vốn của nhân dân, cần phải có các hợp đồng huy động vốn, điều kiện, điều khoản… rõ ràng giữa hai bên để đảm bảo quyền lợi của dân”, ông Cường cho biết.
Còn ông Trần Công Văn, Chủ tịch UBND xã Nga An cho biết, nhà máy nước sạch được tỉnh chấp thuận chủ trương. Theo đó, từ năm 2019 người dân đã đăng ký với nhà máy để được cấp nước sạch.
“Nhà máy căn cứ vào việc các hộ dân đã đăng ký trước đó với công ty để triển khai thu tiền, không thông qua họp dân. Việc thu tiền là do thỏa thuận của công ty với người dân, chính quyền địa phương cũng không rõ. Hiện tỉnh cũng đã nhận được đơn thư của công dân và đang giao cho huyện làm việc với công ty để trả lời cho người dân”, ông Văn cho hay.