Hãng tin Reuters dẫn lời bà Baerbock nói: "Chúng tôi đã thử mọi cách: Thật không may, chúng tôi không thể tiếp tục chuyến công du Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của tôi vì vấn đề hậu cần, do máy bay bị trục trặc. Điều này còn hơn cả sự khó chịu".
Chiếc máy bay của chính phủ Đức chở bà Baerbock tới Australia đã phải dừng ở Abuh Dhabi để tiếp nhiên liệu. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau khi cất cánh, nó buộc phải quay lại sân bay sau khi phi công phát hiện cánh tà hạ cánh không mở về hướng đuôi máy bay.
Để hạ cánh an toàn ở Abu Dhabi, chiếc Airbus phải bay vòng tròn khoảng 90 phút nhằm loại bỏ 80 tấn nhiên liệu trong thùng chứa, giúp máy bay có thể hạ cánh với tổng trọng lượng dưới 190 tấn. Để đề phòng, một xe cứu hỏa đã hộ tống máy bay tới chỗ đậu.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức cho biết: "Do sự cố kỹ thuật, chúng tôi buộc phải quay lại Abu Dhabi".
Ngoài trưởng Đức nói sẽ không đưa ra tuyên bố nào về sự cố ngay lúc này nhưng bà dự kiến sẽ tiếp tục chuyến đi bằng máy bay của chính phủ hoặc trên một hãng hàng không thương mại.
Trước đó, hồi tháng 5, bà Baerbock bị mắc kẹt ở thủ đô Doha của Qatar do lốp của chiếc máy bay chở bà bị hỏng. Trước chuyến đi lần này, bà Baerbock dự kiến bay bằng chiếc Airbus A340-400 nhưng sau đó lại thay đổi vì máy bay bị lỗi trước khi khởi hành.
Hồi tháng 10/2018, một máy bay chở Bộ trưởng Tài chính Đức khi đó - hiện là Thủ tướng Olaf Scholz tới dự cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng không thể rời trạm dừng chân là Indonesia vì chuột cắn đứt dây cáp máy bay.
Tháng 11/2018, máy bay của chính phủ Đức chở cựu Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Scholz tới Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires cũng phải quay lại sân bay do thiết bị kiểm soát sóng radio của máy bay ngừng hoạt động. Sau đó, cả hai chính trị gia đã đi trên một chuyến bay thương mại để tới Argentina.
Sự cố mới nhất đối với máy bay của chính phủ Đức đã làm dấy lên lo ngại rằng nó sẽ đem lại tiếng xấu cho năng lực kỹ thuật của nước này.