Ngày 14/11, tại Trung tâm Hội nghị Moscone, San Francisco, Mỹ đã diễn ra Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 34.
Hội nghị do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đồng chủ trì, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế và Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh vẫn tồn tại các thách thức kinh tế dù đã có nhiều tiến bộ hướng đến một tương lai thịnh vượng hơn trong 3 thập kỷ qua. Tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và xung đột tại Ukraine đang ảnh hưởng đến an ninh lương thực và năng lượng. Ông khẳng định: “APEC là một diễn đàn hùng mạnh” để xây dựng lòng tin vào tương lai về một khu vực “cởi mở, năng động, tự cường và hòa bình”.
Hội nghị tập trung đánh giá tình hình hợp tác APEC năm 2023, đặc biệt tiến độ triển khai mục tiêu và kế hoạch hợp tác được thông qua tại Tầm nhìn APEC Putrajaya đến năm 2040. Hội nghị cũng thảo luận các biện pháp hướng đến hai mục tiêu quan trọng của APEC là tăng trưởng bền vững, bao trùm; xây dựng khu vực tự cường và kết nối.
Các Bộ trưởng APEC nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, hướng tới Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương; nâng cao năng lực của các thành viên trong thực hiện các hiệp định thương mại toàn diện và chất lượng cao; nỗ lực hơn nữa giải quyết điểm nghẽn nhằm củng cố chuỗi cung ứng an toàn, tự cường, bền vững và mở.
Hội nghị nhất trí APEC cần tăng cường hợp tác xây dựng môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, minh bạch và bao trùm; bảo đảm tăng trưởng kinh tế đem lại lợi ích cho mọi người dân; tạo điều kiện để người dân tiếp cận giáo dục, đào tạo nghề và việc làm bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thúc đẩy hợp tác chuyển đổi năng lượng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, gắn với bảo đảm tự cường và an ninh năng lượng khu vực là những nội dung được quan tâm cao tại hội nghị. Các Bộ trưởng nhất trí sẽ báo cáo lên các lãnh đạo APEC về các nguyên tắc về chuyển đổi năng lượng công bằng trong APEC.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao kết quả hợp tác APEC năm 2023. Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu cần nâng cao sức cạnh tranh và tính tự cường của các nền kinh tế, ứng phó với thách thức về biến đổi khí hậu và suy giảm tăng trưởng, đề xuất ba ưu tiên hợp tác APEC.
Thứ nhất, tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Các thành viên APEC cần đẩy nhanh những chương trình hợp tác về thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường, mô hình kinh tế xanh - sinh học - tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi năng lượng công bằng và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Thứ hai, tận dụng tiến bộ của khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng bền vững và bao trùm. Hợp tác APEC phải hướng đến việc hỗ trợ các nền kinh tế xây dựng kết cấu hạ tầng và lực lượng lao động số, tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, phòng chống thiên tai, y tế, giáo dục.
Thứ ba, lấy con người là trung tâm của hợp tác APEC. Các dự án và hoạt động APEC cần góp phần xây dựng hệ thống giáo dục và y tế công bằng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường, tăng cường vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế và xã hội.
Việt Nam mời các nhà đầu tư để hiện thực hoá triển vọng
Cũng trong ngày 14/11, tại Los Angeles, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì hội nghị tiếp xúc với hơn 60 nhà đầu tư gồm các Quỹ đầu tư lớn, tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ, trong đó có một số nhà đầu tư đang nắm giữ các khoản trái phiếu quốc tế của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam phát hành.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin những tín hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô, chính sách điều hành của Chính phủ Việt Nam cũng như thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược.
Bất chấp những "cơn gió ngược" của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam nổi lên là một quốc gia với triển vọng tăng trưởng kinh tế vững chắc, ổn định, lạm phát được kiềm chế.
Tăng trưởng xuất khẩu thông qua đa dạng hoá đối tác và ngành hàng; thu hút FDI thông qua cơ chế chính sách thuận lợi cho nhà đầu tư; tăng trưởng cầu nội địa nhờ vào thị trường gần 100 triệu dân với khả năng chi tiêu được cải thiện; nợ công thấp, dư địa tài khoá dồi dào là những lợi thế căn bản để Việt Nam duy trì triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.
Việt Nam tiếp tục mục tiêu khai phá tiềm năng tăng trưởng kinh tế từ phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, năng lượng sạch và đảm bảo an ninh năng lượng. Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về đưa phát thải về 0 vào năm 2050. Với mục tiêu này, Việt Nam tiếp tục kêu gọi và huy động nguồn lực trong nước và quốc tế để đầu tư vào lĩnh vực chuyển hướng sang xanh và sạch.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, với vị thế đầu tư chiến lược và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam vinh hạnh mời các nhà đầu tư trên thế giới, đặc biệt nhà đầu tư Mỹ trở thành đối tác để hiện thực hoá những triển vọng lớn lao mà Việt Nam sẵn có.